Chỉ số PMI tháng Năm giảm nhẹ nhưng vẫn trên ngưỡng 50 điểm

Chỉ số PMI tháng Năm có giảm, nhưng vẫn trên ngưỡng 50 điểm

Chỉ số PMI giảm còn 52,5 điểm trong tháng Năm, tuy nhiên vẫn trên ngưỡng 50 điểm cho thấy có sự cải thiện về điều kiện hoạt động tại các công ty sản xuất.

Ngày 2/6, Ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty Markit Economics công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 53,1 điểm trong tháng Tư còn 52,5 điểm trong tháng Năm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn trên ngưỡng 50 điểm vẫn cho thấy có sự cải thiện về điều kiện hoạt động tại các công ty sản xuất.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng Năm đã tăng sáu tháng liên tiếp, với tốc độ tăng nhanh, chỉ kém hơn một chút so với mức cao kỷ lục của tháng Tư. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết các điều kiện kinh tế tốt lên đã giúp làm tăng nhu cầu của khách hàng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng Năm, nhưng tốc độ tăng nhẹ.

Nhu cầu khách hàng cao hơn đã làm cho sản xuất tiếp tục tăng trong tháng và đây là tháng tăng thứ tám liên tiếp. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết hoạt động mua hàng hóa nguyên liệu trong những tháng gần đây đã giúp họ tăng sản lượng. Hoạt động sản xuất tăng đã giúp các công ty xử lý lượng công việc tồn đọng.

Lượng công việc tồn đọng đã giảm nhẹ sau khi tăng trong tháng trước. Tuy nhiên, thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị kéo dài thành mức cao nhất trong lịch sử khảo sát khi các quy định mới về trọng tải làm cho các nhà cung cấp phải thực hiện nhiều chuyến hơn để vận chuyển cùng một khối lượng hàng hóa. Quy định này cũng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, từ đó làm tăng tốc độ tăng giá chi phí đầu vào tháng thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2012.

Mặc dù chi phí đầu vào tăng mạnh, các nhà sản xuất hầu như vẫn không thay đổi giá cả đầu ra trong tháng. Trong khi một số thành viên nhóm khảo sát cho biết đã chuyển gánh nặng chi phí cao hơn sang cho khách hàng, những thành viên khác lại cho biết họ phải giảm giá bán của họ để kích thích nhu cầu.

Việc làm trong tháng Năm đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù tốc độ tạo việc làm đã chậm lại và chỉ còn ở mức tăng nhẹ. Yêu cầu về sản xuất cao hơn đã buộc một số thành viên nhóm khảo sát phải tăng số lượng nhân công. Hàng tồn kho thành phẩm cũng đã giảm nhẹ sau khi tăng trong tháng trước.

Bà Trịnh Nguyễn, chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC nhận định: “Chỉ số PMI tháng Năm cho thấy lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam có sự cạnh tranh, với hoạt động kinh doanh tiếp tục mở rộng mặc dù với tốc độ chậm hơn. Chi phí của các nhà sản xuất tăng thực sự là vấn đề đáng quan tâm khi mà các nhà xuất khẩu đã phải chịu các chi phí hậu cần cao.

Biên lợi nhuận đang bị co hẹp khi nhu cầu trong nước yếu làm cho các nhà sản xuất khó tăng giá đầu ra mặc dù chi phí sản xuất tăng. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ lãi suất ổn định để hỗ trợ nhu cầu trong nước.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục