Theo khảo sát từ MasterCard, lần đầu tiên kể từ năm 2012, người tiêu dùng tại châu Á-Thái Bình Dương không còn lạc quan về tương lai ngắn hạn. Tuy nhiên, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam bất ngờ lại đạt 94,2 điểm khi tăng 7,3 điểm, và đây là mức cao nhất thứ hai trong khu vực chỉ sau Myanmar với 95,7 điểm.
Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng (nửa cuối năm 2015) do MasterCard thực hiện cho thấy, châu Á-Thái Bình Dương đã rơi xuống dưới mốc lạc quan 60 điểm về mức trung lập, có 12 trong số 17 quốc gia ghi nhận sự suy giảm về niềm tin.
Tâm lý lo ngại trên thị trường chứng khoán là nhân tố chính của sự giảm sút niềm tin này, tiếp theo chính là triển vọng về tình hình việc làm. Quốc gia chịu sự suy giảm niềm tin nhiều nhất là Sri Lanka, kế tiếp là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Trái lại, người tiêu tại Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ lại cực kỳ lạc quan về triển vọng thị trường trong vòng sáu tháng tới.
Tại Myanmar và Việt Nam, tâm lý lạc quan này được hỗ trợ bởi những cải thiện lớn trên thị trường chứng khoán, tăng 21,6 điểm và 17,3 điểm tương ứng tại mỗi quốc gia. Niềm tin người tiêu dùng tại Ấn Độ vẫn ổn định với 90,2 điểm khi mà người tiêu dùng vẫn duy trì mức độ lạc quan rất cao.
Ông Eric Schneider, Trưởng Nhóm, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Phận Tư Vấn MasterCard, chia sẻ: "Sự suy giảm niềm tin người tiêu dùng tại khu vực phản ảnh sự bất ổn tiếp tục trong môi trường kinh tế toàn cầu. Cụ thể, sự biến động trên thị trường chứng khoán gần đây đã tác động lớn đến triển vọng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số quốc gia mới nổi lại đi ngược xu hướng này, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ, tất cả đều tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Vì vậy, mặc dù niềm tin tổng thể của khu vực đã bị suy yếu và tăng trưởng chậm lại, các quốc gia trong khu vực sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016”./.