Ngay sau phiên tăng điểm ấn tượng, chứng khoán Mỹ đã quay đầu "bổ nhào" trong phiên giao dịch ngày 10/4 khi nỗi lo về mức giá "trên trời" của các cổ phiếu ngành công nghệ lại trở lại ám ảnh tâm trí nhà đầu tư, khiến họ lại bán tháo các cổ phiếu này và qua đó đẩy chỉ số Nasdaq tuột dốc hơn 3%, đồng thời châm ngòi cho một cuộc tháo chạy trên diện rộng hơn ở Phố Wall.
Nhà đầu tư đã bán đổ bán tháo tài sản, bất chấp thị trường lao động đã có sự cải thiện mạnh mẽ, khiến các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ mất điểm thảm hại nhất trong nhiều năm qua. Giá USD trong ngày cũng sụt giảm mạnh so với các ngoại tệ mạnh khác.
Theo các nhà phân tích, có vẻ như cơn ác mộng về đợt bán tháo các cổ phiếu trong chỉ số Nasdaq thời bong bóng cổ phiếu công nghệ năm 2000 lại hiện về trong phiên 10/4 trên Phố Wall, nhưng tình hình hiện nay cũng đã có nhiều khác biệt.
Nhà đầu tư Jack Ablin thuộc BMO Private Bank cho rằng đây chắc chắn là một đợt điều chỉnh về giá trị của các cổ phiếu ngành công nghệ sau khi đã đạt thanh khoản cao.
Đóng cửa phiên 10/4, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average giảm 266,96 điểm (1,62%) xuống 16.170,22 điểm; S&P 500 giảm 2,09% (39,10 điểm) xuống 1.833,08 điểm; và Nasdaq giảm sâu 129,79 điểm (3,10%) xuống 4.054,11 điểm. Đây là phiên "rơi tự do" mạnh nhất của chỉ số Nasdaq tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ tháng 11/2011.
Mặc dù các cổ phiếu công nghệ được cho là "tội đồ" chính trong cú rơi thê thảm phiên hôm qua trên thị trường chứng khoán Mỹ, song một số nhà phân tích vẫn cho rằng phiên bán tháo này là một hành động thái quá.
Trong số những cổ phiếu bị giảm giá mạnh nhất có Netflix (-5,2%); Facebook (-5,2%); Tesla Motors (-5,9%); Google (-4,1%); Amazon (-4,4%); Apple (-1,3%); Cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm cũng bị mất điểm nhiều nhất, điển hình là của công ty Alexion Pharma (-7,5%); Gilead Sciences (-7,3%) và TripAdvisor -7%.
Ngoài các cổ phiếu công nghệ, phiên 10/4 cũng là phiên sụt giảm thê thảm của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, trong đó cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 3,2%; Wells Fargo tụt 2,8% và Bank of America rơi 3,0%.
Cũng trong ngày 10/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã giảm 32.000, chỉ còn khoảng 300.000 người.
Đây là con số thấp nhất trong một tuần kể từ tháng 5/2007, trước khi nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái 2007-2009.
Trong tháng Hai và tháng Ba, trung bình mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra được 195.000 việc làm mới, giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,7%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi các kết quả báo cáo kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, sẽ được mở màn bằng các báo cáo của hai đại gia ngân hàng JPMorgan Chase và Wells Fargo.
Cùng ngày ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu biến động trái chiều trong bối cảnh các số liệu xuất nhập khẩu thang Ba của Trung Quốc sụt giảm, song thị trường việc làm tại Mỹ được cải thiện và quốc gia nợ nần Hy Lạp có bước quay trở lại thị trường trái phiếu khá thành công.
Đóng cửa phiên 10/4, FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,10% lên 6.641,97 điểm; DAX 30 của Đức giảm 0,55% xuống 9.454,54 điểm và CAC 40 của Pháp mất 0,66% xuống 4.413,49 điểm.
Sự kiện khu vực nổi bật tác động đến thị trường châu Âu phiên này là việc Hy Lạp phát hành thành công 3 tỷ euro trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm với mức lãi suất 4,75%, ghi dấu đợt đấu thầu trái phiếu đầu tiên của Hy Lạp sau bốn năm vắng bóng trên thị trường trái phiếu quốc tế.
Sang phiên sáng 11/4 trên thị trường châu Á, các sàn chủ chốt trong khu vực cũng đang chủ yếu đi xuống, trong đó chứng khoán Hong Kong giảm 0,61%; Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,18%; Sydney và Seoul giảm lần lượt là 0,91% và 0,77%.
Phiên này, nhà đầu tư châu Á đón nhận số liệu lạm phát trong tháng Ba tại Trung Quốc, theo đó con số này tuy tăng lên, song vẫn ở dưới mức dự kiến./.