Chỉ số lây nhiễm COVID-19 ở Berlin lên mức báo động đỏ

Chỉ số lây nhiễm ở Berlin (Đức) lên mức báo động đỏ - Tây Ban Nha không ghi nhận ca tử vong nào trong ngày thứ hai liên tiếp - Pháp ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức hơn 100.
Chỉ số lây nhiễm COVID-19 ở Berlin lên mức báo động đỏ ảnh 1Người dân nghỉ ngơi, chèo thuyền trên hồ Müggelsee, ngoại ô Berlin. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Chỉ số lây nhiễm ở thủ đô Berlin của Đức đã tăng lên 1,95, mức báo động đỏ trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang tiếp tục được nới lỏng không chỉ ở Berlin mà trên tất cả các bang ở Đức. 

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, thành phố Berlin có quy định riêng liên quan việc nới lỏng giãn cách xã hội, theo đó căn cứ vào 3 tiêu chí là chỉ số lây nhiễm (R), mức lây nhiễm mới/100.000 dân và số giường bệnh kín chỗ.

Trong trường hợp có hai tiêu chí ở mức báo động đỏ, chính quyền Berlin sẽ siết chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội.

Với chỉ số lây nhiễm lên mức 1,95, đồng nghĩa với việc một người bệnh lây nhiễm cho gần 2 người khác. Berlin đã trải qua 3 ngày liên tiếp có chỉ số R ở trên mức nguy hiểm (1,2), theo đó 1 trong 3 tiêu chí nêu trên đã chuyển sang mức cảnh báo đỏ.

Tương tự, nếu số ca nhiễm mới tăng trên 30 người/100.000 dân và số giường bệnh kín chỗ trên 25%, hai tiêu chí còn lại cũng sẽ chuyển sang mức cảnh báo đỏ. Hiện tỷ lệ lây nhiễm mới ở Berlin mới chỉ là 5,1/100.000 dân, trong khi tỷ lệ giường bệnh kín chỗ là 3,3%.

Theo số liệu của cơ quan y tế Berlin, thủ đô nước Đức hiện còn 317 ca nhiễm và 35 ca nhiễm mới trong ngày 2/6. Trong khi đó trên toàn nước Đức, chỉ số R trong ngày 2/6 đã giảm xuống mức 0,89, giảm so với một ngày trước đó (1,2). Hiện số ca mắc COVID-19 trên cả nước là 182.300 ca.

[Chính phủ Đức chuẩn bị dỡ bỏ cảnh báo đi lại với châu Âu]

Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến thị trường việc làm ở Đức. Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu thị trường lao động và việc làm (IAB), các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến 117.000 người thất nghiệp riêng trong tháng 4/2020, đưa tổng số người thất nghiệp lên 308.000 người.

Trong đó, người làm việc trong ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là ngành chế tạo ô tô, buôn bán... Duy nhất ngành dược phẩm hầu như không bị tác động bởi dịch bệnh.

Tại Tây Ban Nha, ngày 2/6, Bộ Y tế, Các vấn đề người tiêu dùng và Phúc lợi xã hội cho biết nước này tiếp tục không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Tây Ban Nha duy trì số trường hợp tử vong ở mức 27.127 người. 

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha lại tăng 137 trường hợp, cao hơn so với 71 ca được ghi nhận trong vòng 24 giờ trước đó, nâng tổng số người mắc bệnh lên 239.932 ca. Thủ đô Madrid và vùng Catalonia vẫn là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chiếm đến 90 ca trong số các trường hợp nhiễm mới. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Pháp đã ghi nhận thêm 107 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 28.940 trường hợp, đứng thứ năm thế giới về số ca tử vong vì COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong vòng 13 ngày qua số người chết tăng theo ngày ở mức hơn 100 người khi Pháp đang thực hiện những biện pháp nhằm nới lỏng phong tỏa. 

Cũng trong ngày 2/6, Pháp đã cho phép các quán cà phê và nhà hàng mở cửa trở lại sau 10 tuần đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tại các quán cà phê trên cả nước, nhiều phục vụ bàn và khách hàng đều đeo khẩu trang khi các bàn được sắp xếp cách nhau ít nhất 1m theo quy định của chính phủ. 

Dù trong thời gian vừa qua, số ca tử vong ở Pháp có xu hướng giảm đều nhưng chính phủ nước này vẫn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm vẫn ở mức cao tại khu vực Paris, nơi chỉ các nhà hàng có chỗ ngồi ngoài trời hay bán hàng mang về mới được phép mở cửa và các phòng ăn kín trong nhà không được hoạt động.

Các khu vực còn lại trên cả nước, các quán cà phê và nhà hàng được hoạt động như cũ. Ngoài ra, nhiều công viên, bãi biển tại Pháp cũng đã được mở cửa trở lại vào cuối tuần qua, và thêm nhiều học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được trở lại trường học. Tuy nhiên, mỗi lớp chỉ hạn chế 15 học sinh, theo đó hàng nghìn học sinh khác phải học online. 

Trong khi đó, các sự kiện tập trung từ 10 người trở lên tại Pháp vẫn bị cấm cho đến ngày21/6 và người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện công cộng hay đi vào các cửa hàng.

Tuy nhiên, từ ngày 2/6, người dân Pháp cũng được phép di chuyển trong bán kính hơn 100km từ nhà, nhằm nới lỏng hạn chế cho ngành du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục