Chỉ số lạm phát của Ấn Độ đang có chiều hướng giảm

Tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ trong tháng 5 giảm xuống 4,70% so với 4,89% của tháng 4 và thấp hơn nhiều so với mức 7,55% cùng kỳ năm ngoái.
Văn phòng Thống kê Ấn Độ chiều 14/6 cho biết tỷ lệ lạm phát dựa trên chỉ số giá bán buôn (WPI) của Ấn Độ trong tháng Năm vừa qua đã giảm xuống 4,70% so với 4,89% của tháng trước và thấp hơn nhiều so với mức 7,55% cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê chính thức của cơ quan trên cho biết chỉ số lạm phát giá các mặt hàng không thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, trong đó có sợi, hạt lấy dầu và khoáng sản giảm mạnh xuống còn 4,88% so với 7,59% của tháng trước đó.

Trong khi đó, giá các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, vốn chiếm 14,34% trong rổ WPI, lại tăng từ mức 6,08% lên 8,25% trong tháng Tư.

Các số liệu công bố đầu tuần này cũng cho thấy, lạm phát giá bán lẻ tại Ấn Độ đã giảm xuống 9,31% trong tháng Năm vừa qua, mức thấp nhất trong vòng 15 tháng. Tuy nhiên, tỷ lên lạm phát ở các nhóm hàng liên quan đến lương thực, thực phẩm vẫn cao.

Văn phòng Thống kê cho biết Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, tức Ngân hàng Trung ương) sẽ theo dõi chặt chẽ các chỉ số lạm phát, song song với việc điều chỉnh chính sách tiền tệ giữa quý, dự kiến vấn đề này sẽ được đề cập trong cuộc họp vào ngày 17/6 tới.

Bộ Tài chính muốn RBI tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ, tuy nhiên ngân hàng này chỉ có thể giảm thêm 0,3% vì đã giảm lãi suất 1,3% từ tháng Giêng năm ngoái.

Hài lòng với dấu hiệu khả quan của lạm phát giảm, Phó Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch nhà nước Ấn Độ Singh Ahluwalia cho rằng RBI sẽ cân nhắc vấn đề cắt giảm lãi suất trên trong kỳ họp đánh giá chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Trước đó, ngày 13/6, Thủ tướng Manmohan Singh đã thành lập Nhóm Giám sát các dự án trực thuộc Ban Thư ký của chính phủ và chỉ thị cho nhóm này đẩy nhanh việc triển khai các dự án hạ tầng hiện đang bế tắc do nhiều nguyên nhân.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết nhóm trên sẽ chịu trách nhiệm giám sát tất cả các dự án lớn, cả công lẫn tư và sẽ tích cực thúc đẩy triển khai đúng tiến độ.

Bộ Tài chính Ấn Độ xác định hiện có tổng cộng 215 dự án đang bị treo; khoảng 30-40 dự án trong diện này sẽ phải khởi công vào tháng Bảy nhằm tạo lực đẩy cho các dự án phát triển hạ tầng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục