Chỉ số giá xuất-nhập khẩu sẽ được dùng làm cơ sở điều hành tỷ giá

Lần đầu tiên, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu sẽ được các cấp cơ quan quản lý sử dụng làm cơ sở đưa ra các chính sách trong điều hành tỷ giá.
Chỉ số giá xuất-nhập khẩu sẽ được dùng làm cơ sở điều hành tỷ giá ảnh 1Chỉ số giá xuất-nhập khẩu quý 2 cùng giảm so với quý 1. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/6, tại “Báo cáo tình hình Giá cả quý 2 và 6 tháng của năm 2015,” lần đầu tiên Tổng cục Thống kê đã công bố thông tin về chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu.

Để làm rõ hơn mục đích và ý nghĩa của việc cung cấp các chỉ số trên ra cộng đồng, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có cuộc trao đổi với báo chí.

- Thưa ông, Tổng cục Thống kê lần đầu đưa chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu vào các Báo cáo chỉ số giá định kỳ tháng, quý nhằm mục đích gì?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Chỉ số giá sản xuất (PPI) được biên soạn nhằm phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc sử dụng để phân tích kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác quản lý, điều hành và xây dựng kế hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu lại có hướng tới việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho các hoạt động nghiên cứu tác động của giá cả đối với giá trị xuất-nhập khẩu đồng thời là cơ sở cho hoạt động phân tích, tính toán hiệu quả kinh doanh, ký kết hợp đồng xuất-nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Ngoài ra, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu sẽ được các cấp cơ quan quản lý sử dụng làm cơ sở đưa ra các chính sách trong điều hành tỷ giá.

Về phía cơ quan thống kê, chỉ số giá sản xuất sẽ là cơ sở dữ liệu cho chúng tôi tính toán một số chỉ tiêu theo giá so sánh. Đối với chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu, chúng tôi sẽ sử dụng vào việc loại trừ các yếu tố biến động giá cả (giảm phát) trong cân đối xuất-nhập khẩu, cán cân thanh toán và giảm phát trong công tác thống kê tài khoản quốc gia.

Trong báo cáo định kỳ, chúng tôi cũng đưa ra chỉ số về tỷ giá thương mại hàng hóa, phản ánh mối quan hệ tỷ lệ giữa giá hàng xuất khẩu với giá hàng nhập khẩu của quốc gia trong một thời kỳ nhất định.

Cụ thể, biến động của tỷ giá thương mại hàng hóa sẽ phản ánh thay đổi thu nhập của quốc gia tính theo hàng hóa nhập khẩu. Có thể cắt nghĩa như thế này, khi tỷ giá thương mại giảm đồng nghĩa với thu nhập quốc gia giảm vì cần tăng thêm hàng xuất khẩu để mua được một đơn vị hàng nhập khẩu định trước.

- Ông cho biết những đánh giá chung về tổng chỉ số giá sản xuất quý 2 và nửa đầu của năm 2015

Ông Nguyễn Bích Lâm: Chỉ số giá sản xuất bao gồm chỉ số giá ngành hàng công nghiệp, chỉ số giá sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ.

Đánh giá chung, tỷ số giá sản xuất dịch vụ có xu hướng tăng lên, cụ thể chỉ số quý 2 tăng 0,6% so với quý 1 và tăng 2,53% so với cùng kỳ năm 2104. Trong đó, nhóm chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo đóng góp vào mức tăng sáu tháng nhiều nhất (0,46%).

Bên cạnh đó chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng giá còn ảnh hưởng từ giá dịch vụ lưu trú ăn uống trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ngoài ra, giá xăng-dầu, điện tăng cũng khiến các đơn vị dịch vụ tăng giá để bù đắp chi phí.

Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp quý 2 mặc dù tăng 0,36% so với quý 1 nhưng lại giảm 0,36% so với cùng kỳ. Những yếu tố tác động đến chỉ số này cũng liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá điện 7,5% (ngày 16/3). Cùng với đó, giá dầu thô thế giới giảm mạnh từ quý 4/2012 và đến nay đang có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, song mức giá ở thời điểm này vẫn giữ ở mức thấp hơn rất nhiều so một năm trở lại. Bình quân sáu tháng đầu năm, chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp giá 0,1%.

Ngược lại do yếu tố mùa vụ, nguồn cung lương thực dồi dào đã khiến chỉ số giá sản xuất hàng nông-lâm nghiệp-thủy sản quý 2 giảm tới 0,56% so với quý 1, nhưng vẫn tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2014.

- Từ đầu năm đến nay các mặt hàng nông-thủy sản cũng như năng lượng trong xu hướng giảm, vậy các yếu tố này tác động như thế nào đến chỉ số giá xuất-nhập khẩu thưa ông?


Ông Nguyễn Bích Lâm:
Đúng vậy, so với quý 1 thì chỉ số giá xuất khẩu thủy sản giảm 1,04%, hạt điều giảm tới 8,73%, hạt tiêu giảm 1,36%, gạo giảm 6,36% bên cạnh đó chỉ số giá xuất khẩu dầu thô cũng giảm 12,36% và than đá giảm 1,36%. Các yếu tố này đã khiến chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý 2 giảm 1,09% so với quý 1 và giảm 3,61% so với cùng kỳ năm 2014.

Tương tự giá cả nhập khẩu hầu hết các mặt hàng cũng trong xu thế giảm, do đó chỉ số giá nhập khẩu quý 2 đã giảm 2,09% so với quý 1 và giảm tới 4,66% so với cùng kỳ (các nhóm hàng có chỉ số giá giảm mạnh nhất trong quý là khí đốt hóa lỏng giảm 41,26%, xăng-dầu giảm 37,84%, cao su giảm 21,77%). Bình quân sáu tháng, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa đã giảm 3,64% so với cùng kỳ năm trước.

Song đáng chú ý, mặc dù chỉ số giá xuất-nhập khẩu hàng hóa trong quý 2 đều giảm nhưng tỷ giá thương mại hàng hóa của giá xuất-nhập khẩu lại tăng 1,02% so với quý 1 và tăng 1,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tỷ giá thương mại dương còn do tác động của việc giảm giá xăng dầu và một vài loại hàng hóa khác.

Tôi cũng lưu ý, theo đánh giá cơ bản khi tỷ giá thương mại lớn hơn 100 có nghĩa là với điều kiện kinh tế hiện tại, xuất khẩu đang được lợi thế về giá so với giá nhập khẩu và tỷ giá thương mại nhỏ hơn 100 thì sẽ xảy ra điều ngược lại. Như vậy, tỷ giá thương mại hàng hóa xuất-nhập khẩu trong sáu tháng đầu năm chỉ tăng 0,02% thì đây là mức tăng không đáng kể.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục