Ngày 29/6, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 của thành phố tăng 0,22% so với tháng trước.
Trong số này, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động. Qua đó, bình quân 6 tháng năm 2021, CPI của thành phố tăng 2,12% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Phân tích diễn biến giá một số nhóm ngành hàng so với tháng trước, Cục Thống kê thành phố cho biết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: chỉ số giá của nhóm này tăng 0,38% so với tháng trước. Theo đó, lương thực tăng 0,46%, chủ yếu do gạo tăng 0,65% do nhu cầu mua dự trữ của người dân tăng cao nhằm hạn chế việc di chuyển, phòng chống dịch COVID-19.
Ngược lại, chỉ số giá nhóm bột mì và ngũ cốc khác giảm 0,57% so với tháng trước chủ yếu do giá khoai lang giảm giảm 1,59%.
[CPI tháng Sáu tăng 0,19% do giá nguyên, nhiên liệu đắt đỏ]
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,37% so với tháng trước; trong đó, một số mặt hàng có mức tăng so với tháng trước như: giá thịt gà tăng 0,57%, trứng các loại tăng 1,58%, các loại đậu và hạt tăng 1,19%, dầu thực vật tăng 0,45%; rau tươi, khô và chế biến tăng 6,36% so với tháng trước.
Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, một số mặt hàng của nhóm thực phẩm trong tháng có giảm giá so với tháng trước như: thịt lợn giảm 1,92%, thịt bò giảm 0,75%, thịt gia cầm đông lạnh giảm 1,40%, tôm giảm 1,22%.
Cùng chiều hướng tăng, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,04% so tháng trước; trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 0,34%, giá nước sinh hoạt giảm 0,78%, gas và các loại chất đốt tăng 3,69%.
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76% so với tháng trước; trong đó, phương tiện đi lại giảm 0,30%; phụ tùng tăng 0,01%; nhiên liệu tăng 2,97% chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 11/6/2021 và ngày 26/6/2021, theo đó, giá xăng tăng 3,46%, dầu diezel tăng 4,71% so tháng trước.
Theo Cục Thống kê thành phố, cũng trong tháng 6/2021, chỉ số giá vàng tăng 1,77% và chỉ số giá USD giảm 0,16% so với tháng trước./.