Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 trên địa bàn Hà Nội giảm nhẹ

CPI tháng 8 của Hà Nội giảm nhẹ so với tháng trước; trong 11 nhóm hàng, có 3 nhóm giảm và 8 nhóm tăng nhưng mức tăng không đáng kể.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2016 đã giảm nhẹ so tháng trước và tăng so cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng, có 3 nhóm giảm và 8 nhóm tăng nhưng mức tăng không đáng kể.

Nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất, do chuẩn bị vào năm học mới nên các công ty, cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách giáo khoa, đồ dùng học tập... tăng đột biến. Thêm nữa, giá học phí của một số trường đại học cũng tăng đã đẩy chỉ số giá của nhóm hàng này lên cao.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm do giá lương thực thực phẩm giảm mạnh, đặt biệt là giá lúa gạo trên thị trường Hà Nội. Do vụ chiêm đã thu hoạch xong, lại đạt năng suất cao nên nguồn cung dồi dào khiến cho giá lúa gạo đã giảm từ 300 đồng đến 700 đồng/kg.

Giao thông là nhóm có chỉ số giảm mạnh nhất, do trong kỳ tính chỉ số giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng. Đứng thứ 3 trong nhóm có chỉ số giảm là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng do giá dầu hỏa giảm, giá gas giảm.

Cũng trong tháng 8, giá vàng và giá đô la Mỹ (USD) có diễn biến trái chiều nhau. Trong khi, chỉ số giá vàng tăng 1,6% so tháng trước và tăng 19,8% so với tháng 12 năm 2015 thì chỉ số giá USD giảm nhẹ so với tháng trước và giảm 0,7% so với tháng 12 năm 2015.

Về thương mại nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước tính đạt 176.285 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ; trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 42.166 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ.

Tháng 8 cũng là thời điểm nhập học của học sinh sinh viên nên nhu cầu mua sắm đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập của phụ huynh và học sinh tăng cao. Các công ty trong nước đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường đưa ra những mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo giá cả hợp lý.

Tại một số điểm cung cấp đồ dùng học tập, sách giáo khoa có uy tín tại Hà Nội như Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học hay các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm lượng khách mua tăng từ 30% đến 50% so với những tháng trước.

Tính chung 8 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ đạt gần 1.381 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2015; trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 325.427 tỷ đồng, tăng 8,4%. Chia theo thành phần kinh tế, trong tổng mức bán ra: kinh tế Nhà nước đạt 395.872 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 919.290 tỷ đồng, tăng 10,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 65.651 tỷ đồng, tăng 9,8%...

Trong lĩnh vực ngoại thương, ước tính kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn trong tháng 8 cũng đạt 893 triệu USD, tăng 0,3% so tháng trước và giảm 1,8% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 685 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng 7 và giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Cũng trong tháng 8, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ như máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 16%, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 2,9%, giày dép các loại và các sản phẩm từ da tăng 7,5%.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 7 tỷ USD, giảm 1,4% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt hơn 5,3 tỷ USD, giảm 1,1%. Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ là máy móc thiết bị phụ tùng tăng 4,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 22,9%.

Một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ là nông sản giảm 11,6%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi giảm 14,5%; xăng dầu giảm 15%. Trị giá nhập khẩu tháng 8 ước đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 7% so tháng trước và giảm 8,4% so cùng kỳ; trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 935 triệu USD tăng 7,4% và giảm 4,9%.

Trong tháng 8, nhóm hàng vật tư, nguyên liệu có tốc độ tăng cao nhất, tăng 5% so cùng kỳ năm 2015. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 15,7 tỷ USD, giảm 5,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu địa phương ước đạt hơn 6,8 tỷ USD, giảm 4,4% so cùng kỳ năm 2015.

Trị giá nhập khẩu 8 tháng đầu năm ở hầu hết các mặt hàng đều giảm, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh là xăng dầu giảm 27,5%; phân bón giảm 19,1%; hóa chất giảm 21,6% so cùng kỳ năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục