Ngày 31/10, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2022 của thành phố tiếp tục xu xướng tăng với mức 0,45%, cao hơn 0,15 điểm phần trăm so mức tăng tháng 9.
Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có 3/11 nhóm hàng giảm với nhóm giao thông tiếp tục giảm nhiều nhất (giảm 1,89%); 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất (tăng 4,95%).
Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng, Cục Thống kê thành phố cho biết nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%; trong đó nhóm lương thực tăng 0,28% với giá gạo tăng 0,10%, lương thực chế biến tăng 0,88%.
Nhóm thực phẩm tăng 0,17%; trong đó, thịt gia súc giảm 0,26%; trứng các loại giảm 0,42%; thịt gia cầm giảm 0,47%; giá dầu mỡ ăn tăng 0,54%; thủy sản tươi sống tăng 0,22%; rau quả các loại tăng 0,95% (2 mặt hàng này chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa bão trong tháng 10). Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,53%, cao hơn mức 0,47% của tháng trước.
Tương tự, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,34%, cao thứ hai trong 8 nhóm hàng tăng giá, trong đó nước khoáng và nước uống có gas tăng 1,08%; bia tăng 2,27%; thuốc lá tăng 0,93%.
[Nhóm giáo dục là tác nhân chính làm tăng lạm phát trong tháng Mười]
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,27%; trong đó, vải tăng 0,07%; quần áo may sẵn tăng 0,31%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,64%; trong đó, nhóm điện sinh hoạt tăng 0,16%; nước sinh hoạt giảm 1,10%; gas và chất đốt giảm 4,17%; dịch vụ sửa chữa nhà tăng 1,18%. Nhóm giáo dục tăng 4,95%, trong đó đồ dùng học tập tăng 0,25%; dịch vụ giáo dục tăng 5,29%.
Chiều hướng giảm có nhóm giao thông giảm 1,89%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 5,25% (xăng giảm 6,14%); dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,09%.
Về chỉ số giá vàng, USD trong tháng 10/2022, Cục Thống kê thành phố cho biết chỉ số giá vàng giảm 0,46% so với tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 18,02% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tăng 1,92% so với tháng trước; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 0,18% so với cùng kỳ./.