Chỉ số giá tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh tăng 0,38% trong tháng Tư

Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% và tăng cao nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch với mức tăng 4,32%.
Chỉ số giá tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh tăng 0,38% trong tháng Tư ảnh 1Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,19%. (Ảnh: TTXVN)

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 của thành phố tăng 0,38%; trong đó có 4/11 nhóm giảm là nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm giao thông, nhóm bưu chính viễn thông, nhóm giáo dục; nhóm thuốc và dịch vụ y tế không đổi; các nhóm còn lại đều tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch với mức tăng 4,32%.

Phân tích diễn biến giá cụ thể một số nhóm ngành hàng, Cục Thống kê thành phố cho biết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04%; trong đó nhóm lương thực tăng 0,19% do việc điều chỉnh giá bán của một số nhà cung cấp trong tình hình giá cả biến động thời gian qua.

Nhóm thực phẩm giảm 0,10%, trong đó, rau tươi, khô và chế biến giảm 3,30%; quả tươi, chế biến giảm 1,04%; thịt gia súc tăng 0,80%; thịt gia cầm tăng 0,54%; trứng các loại tăng 3,91%; dầu thực vật tăng 1,78%; thủy sản tươi sống tăng 0,19%...

Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,20% do một số quán thay đổi giá bán khi giá gas tăng cao.

[Infographics] Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư tăng 0,18%

Tương tự, chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,50% do các nhà cung cấp điều chỉnh giá bán cho các sản phẩm khi chi phí vận chuyển tăng cao.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,65%, trong đó giá nhà ở thuê tăng 1,14%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,74%, điện sinh hoạt tăng 0,32%…

Theo Cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu do các nhà cung cấp vật liệu, chủ nhà thuê điều chỉnh giá. Chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt tăng 2,28%; trong đó, giá gas tăng 14.000 đồng/bình, dầu hỏa tăng 7,28%.

Cùng chiều hướng tăng còn có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,32%, nguyên nhân phần lớn do nhóm du lịch tăng 14,85% khi các doanh nghiệp du lịch mở lại sau thời gian tạm ngưng vì ảnh hưởng dịch COVID-19; bên cạnh đó, nhu cầu du lịch của người dân cũng tăng cao.

Ở chiều hướng giảm, nhóm giao thông giảm 0,60% so với tháng trước, chủ yếu do nhóm nhiên liệu giảm 2,13% sau 3 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu ngày 01/4/2022, ngày 12/4/2022 và ngày 21/4/2022.

Cũng theo Cục Thống kê thành phố, chỉ số giá vàng tháng 4/2022 tăng 1,92% so với tháng trước; tăng 25,46% so với cùng kỳ; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 16,49% so với cùng kỳ.

Chỉ số USD tháng 4/2022 giảm 0,15% so với tháng trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2022 giảm 0,20% so với cùng kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục