Chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,58%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,58% so với tháng trước, giảm 1,04% so với tháng 12/2019 và tăng 2,33% so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,58% ảnh 1Chỉ số giá tiêu dùng của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 1,58%. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 của thành phố giảm 1,58% so với tháng trước; giảm 1,04% so với tháng 12/2019 và tăng 2,33% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, có 4/11 nhóm giảm so tháng trước gồm nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (giảm 0,11%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 1,22%); nhóm giao thông (giảm 15,52%) và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,26%).

Bốn nhóm hàng tăng so tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,65%), nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,18%), nhóm bưu chính viễn thông (tăng 0,01%), nhóm hàng hóa, dịch vụ khác (tăng 0,14%). Các nhóm còn lại không đổi so với tháng trước.

Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có nhóm lương thực tăng 1,76% tập trung vào 2 nhóm là gạo (gạo tẻ thường tăng 2,21%, gạo tẻ ngon tăng 1,62%, gạo nếp tăng 0,64%) và lương thực chế biến (mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 1,45%).

Nhóm thực phẩm tăng 0,9% so với tháng trước; trong đó các nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 2,53%; thịt gia cầm tươi sống tăng 1,52%; thịt chế biến tăng 0,75%; trứng tăng 0,44%; dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,22%; thủy sản chế biến tăng 3,65%...

[CPI tháng Tư giảm 1,54% - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020]

Ở chiều giảm, đáng chú ý là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm 1,22% so với tháng trước.

Giá nước sinh hoạt tăng 0,92% do bước vào mùa nắng nóng; giá nhà ở thuê giảm 0,05% do việc giảm giá hỗ trợ khó khăn trong dịch COVID-19; vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,35%; giá điện sinh hoạt tăng 1,30%. Giá gas giảm 20,96%; giá dầu hỏa giảm 30,44%, còn lại các mặt hàng khác không biến động.

Nhóm giao thông giảm 15,52% so với tháng trước, chủ yếu do thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch vụ giao thông công cộng tạm dừng hoạt động.

Đồng thời, chỉ số giá của nhóm giảm do còn chịu tác động của 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 29/3 và ngày 13/4 với giá xăng, dầu diezel giảm mạnh 28,53% so với tháng trước.

Chỉ số giá vàng và USD trong tháng 4/2020 cũng ghi nhận chiều hướng tăng. Chỉ số giá vàng tăng 2,26% so với tháng trước; tăng 15,59% so với tháng 12/2019; tăng 31,24% so với cùng kỳ năm 2019 và bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 24,02% so với năm 2019.

Chỉ số giá USD tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 1,65% so với tháng 12/2019; tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2019 và bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 0,75% so với năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục