Giá dầu tụt dốc nhanh chóng là yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Một vừa qua xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, để ngỏ khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp trong một thời gian dài.
Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 26/2, CPI trong tháng Một giảm 0,7% so với tháng 12/2014 chủ yếu do dầu thô trên thị trường thế giới mất giá 18,7% và giá hàng hóa năng lượng nói chung giảm 9,7%. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp CPI của Mỹ giảm do giá dầu thô thế giới lao dốc bất chấp giá lương thực không có nhiều biến động.
Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cùng ngày cũng công bố báo cáo cho thấy số lượng công nhân bị thất nghiệp trong tuần trước tăng khá mạnh và quay về mốc hơn 300.000 người, bất chấp đà phục hồi ấn tượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 21/2, số người lao động lần đầu tiên nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp là 313.000 người, tăng 31.000 người so với tuần trước nữa. Như vậy, trong bốn tuần gần đây, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trung bình mỗi tuần là 294.500 người, tăng 11.500 người so với bốn tuần trước nữa.
Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức trung bình 338.000 người xin trợ cấp thất nghiệp vào thời điểm cách đây một năm.
Kể từ tháng 9 năm ngoái tới nay, số lượng lao động Mỹ bị sa thải trong một tuần liên tục giữ ở mức dưới 300.000 người. Từ tháng 11/2014 đến tháng 1/2015, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra được hơn 1 triệu việc làm mới, cao nhất trong vòng 17 năm qua.
Trong năm 2014, tổng số việc làm mới được tạo ra ở Mỹ là hơn 3,2 triệu, giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của nước này xuống 5,7% so với mức 6,6% của năm trước đó.
Lương tối thiểu cho một giờ làm việc ở Mỹ trong tháng 1/2015 tăng 0,5%. Đây là mức tăng cao nhất trong một tháng trong vòng 6 năm qua. Hiện, mức lương tối thiểu ở Mỹ là 9 USD/giờ, cao hơn 1,75 USD so với mức lương tối thiểu của liên bang./.