Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tiếp tục giảm trong tháng Sáu

Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu; trong đó chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tuy nhiên không đưa ra con số cụ thể.
Chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội tiếp tục giảm trong tháng Sáu ảnh 1Khách chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu; trong đó chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm, tuy nhiên không đưa ra con số cụ thể.

Trong tháng Năm, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố giảm 0,76% so tháng trước và tăng 2,52% so cùng kỳ.

Trong đó, 3 nhóm hàng đóng góp làm chỉ số giá tháng Năm giảm so tháng trước có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 1,52% (trong đó giá thực phẩm giảm là chính); ​nhóm nhà ở, vật liệu và chất đốt giảm 0,47% và nhóm giao thông giảm 0,29%.

Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng Sáu giảm là do nhóm lương thực, thực phẩm là 2 nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa giảm. Cụ thể, giá gạo giảm khiến cho nhóm lương thực giảm.

[Bức tranh kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm có dấu hiệu khởi sắc]

Nhóm thực phẩm vẫn tiếp tục giảm do giá thịt lợn tháng trước giảm mạnh nên giá bình quân tháng này vẫn giảm. Thịt gà, gia cầm cũng giảm nhẹ.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng Sáu của thành phố đạt 187.491 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 44.154 tỷ đồng, tăng 1,1% và 6,2%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm nay thành phố Hà Nội ước đạt 1.106 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, tổng mức bán lẻ đạt gần 259 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1%.

Xét theo thành phần kinh tế, tổng mức lưu chuyển hàng hóa 6 tháng đầu năm nay ở khu vực kinh tế nhà nước đạt 323 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ; khu vực ngoài nhà nước đạt 730 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 53 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%.

Xét theo ngành hoạt động, ngành thương nghiệp đạt 767 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ 2016; ngành khách sạn, nhà hàng đạt 25 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2%; ngành du lịch đạt 5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% và ngành dịch vụ đạt 309 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1%.

Trong tháng Sáu, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 1.059 triệu USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 882 triệu USD, giảm 2,6% và tăng 11,6%.

Tính chung 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 5.789 triệu USD, tăng 12,1% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 4.806 triệu USD, tăng 14,6% so cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu tháng Sáu ước đạt 2.557 triệu USD, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 20,2% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 1.136 triệu USD, tăng 0,9% và tăng 21,3%.

Tính chung 6 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 14.233 triệu USD, tăng 20,7% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương đạt 6.301 triệu USD, tăng 20,2% so cùng kỳ.

Khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội ước đạt 235 nghìn lượt khách, giảm 7,8% so tháng trước và tăng 37,4% so cùng kỳ năm trước; khách trong nước đến Hà Nội ước đạt 818 nghìn lượt khách, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 4,5% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tăng 1,1% so tháng trước.

Thành phố đã tổ chức thành công các sự kiện quảng bá du lịch Hà Nội như: Đón vị khách quốc tế đầu tiên đến Hà Nội, Chương trình Du xuân hữu nghị với 300 đại sứ tham gia, phối hợp tổ chức thành công Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM-Hà Nội 2017, Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2017.

Thành phố cũng hoàn thiện giải pháp xây dựng hệ thống du lịch thông minh thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN năm 2017, thực hiện thí điểm xây dựng logo, biển chỉ dẫn và sản phẩm du lịch tại một số điểm du lịch trên địa bàn Thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục