Theo số liệu ngày 13/1 của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại nước này đã tăng 9,7% trong năm 2021, mức tăng hằng năm cao nhất kể từ năm 2010.
Mức tăng PPI gần 10% này do sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ gây áp lực cho chuỗi cung ứng.
Mặc dù vậy, chỉ số PPI điều chỉnh theo mùa chỉ tăng 0,2% trong tháng 12/2021, thấp hơn so mức dự báo 0,4% của giới chuyên gia sau khi tăng 1% vào tháng 11/2021.
Trong khi đó, PPI "lõi" không bao gồm thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, đã tăng 0,4% trong tháng 12/2021 như dự báo của các nhà kinh tế.
[Đức: Giá sản xuất tăng mạnh nhất kể từ năm 1951 do giá năng lượng tăng]
Theo Mahir Rasheed, chuyên gia kinh tế Mỹ tại công ty tư vấn Oxford Economics, mặc dù tốc độ tăng hàng năm ở mức kỷ lục, nhưng số liệu theo tháng cho thấy giá sản xuất tại Mỹ dự báo sẽ giảm dần vào năm 2022, đặc biệt là trong nửa cuối năm.
Giá tiêu dùng và giá sản xuất tại Mỹ đều tăng nhanh vào năm 2021 khi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, gây bất ngờ cho các nhà cung cấp, vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch.
Nhiều nhà sản xuất, nhà cung cấp, cửa hàng bán lẻ đã không thể bắt kịp với nhu cầu tăng cao do các vấn đề về nhân công và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng sau đại dịch.
Theo truyền thông Mỹ, trong khi giá sản xuất tăng chậm lại là một dấu hiệu đáng ghi nhận, vẫn chưa rõ thời điểm lạm phát giá tiêu dùng bắt đầu giảm.
Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/1, giá tiêu dùng tại nước này đã tăng 7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất cho vay từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát./.