Chứng khoán Mỹ "ào ạt" đi lên trong phiên giao dịch ngày 21/8 khi nhà đầu tư phấn khởi đón nhận một loạt chỉ số kinh tế tích cực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, giúp họ tạm quên đi những bất ổn địa chính trị tại những điểm nóng của thế giới.
Phiên này, S&P 500 lại tiếp tục lập đỉnh cao mới khi chốt phiên ghi thêm 5,86 điểm (0,29%) lên 1.992,37 điểm - tăng hơn 4 điểm so với kỷ lục được lập vào ngày 24/7 trước đó.
Số điểm mới ghi được này giúp S&P 500 tăng được 7,8% tính từ đầu năm tới nay.
Tương tự, Nasdaq cũng đạt mức cao nhất trong 14 năm khi chốt phiên leo lên 4.532,10 điểm, tăng 0,12%, đưa chỉ số này tăng được 8,5% tính từ đầu năm tới nay. Dow Jones Industrial Average cũng tăng 60,62 điểm (0,36%) lên 17.039,75 điểm.
Hậu thuẫn cho thị trường cổ phiếu đi lên trong phiên này là một loạt số liệu kinh tế tốt hơn kỳ vọng tại Mỹ. Cụ thể, lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đã giảm xuống dưới mức 300.000 người; doanh số bán nhà đang sử dụng trong tháng Bảy đạt mức tăng mạnh nhất trong gần một năm qua và những chỉ số kinh tế hàng đầu trong nhóm các chỉ số của Conference Board đều cho thấy sự cải thiện rõ rệt.
Bức tranh kinh tế sáng màu này tại Mỹ đã khiến nhà đầu tư bỏ qua những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng tại các nền kinh tế Trung Quốc và khu vực Eurozone đang chậm lại.
Màu xanh cũng tiếp tục lan tỏa trên các thị trường chứng khoán châu Á vào lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 22/8. Cụ thể, chứng khoán Hong Kong tạm tăng 0,33%; Sydney tăng 0,29%; Seoul tăng 0,63% trong khi chứng khoán Tokyo tăng nhẹ, còn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) lình xình.
Thị trường hiện đang chờ đợi cuộc họp thường niên về chính sách tiền tệ tại Jackson Hole, Wyoming (Mỹ), nơi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi sẽ có các bài phát biểu./.