Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 2019-2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.
Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 2019-2021 ảnh 1Người dân đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

VietnamPlus trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13;

Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13;

Sau khi xem xét Báo cáo số 03/BC-CP ngày 11 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2018 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021; Báo cáo thẩm tra số 1286/BC-UBVĐXH14 ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021

1. Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 như sau:

a) Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội;

[Hà Nội xem xét xử lý hình sự doanh nghiệp chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội]

b) Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2,0% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

c) Trường hợp thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán, thì mức chi phí quản lý quy định tại điểm a và điểm b khoản này tính trên số thực thu, thực chi.

2. Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động-thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Thủ tướng Chính phủ:

a) Quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng kinh phí, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này và phương án Chính phủ báo cáo tại Báo cáo số 03/BC-CP ngày 11 tháng 5 năm 2018, phù hợp với quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội;

b) Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cải cách thủ tục và nâng cao chất lượng phục vụ bảo đảm thuận lợi đối với cơ quan, đơn vị và người dân; tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội theo vị trí việc làm, phù hợp với nhiệm vụ được giao và tinh giản biên chế theo quy định.

2. Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.


Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục