Số hóa, cụ thể là ứng dụng công nghệ “chi lương linh hoạt,” đang được Công ty cổ phần May BGG Lạng Giang và nhiều doanh nghiệp hợp tác triển khai cùng GIMO để giữ chân lao động trong thời điểm cuối năm.
Chương trình phúc lợi tài chính này là một mũi tên trúng hai đích: vừa đảm bảo đời sống cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp tăng sức hút trên thị trường tuyển dụng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động
Dù mức lương gần 10 triệu đồng mỗi tháng cơ bản đủ cho các chi phí của một gia đình có con nhỏ, nhưng nhiều khi chị Vương Thị Thanh Hoài, công nhân Công ty cổ phần May BGG Lạng Giang vẫn phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn khi trong tháng có việc phát sinh mà chưa đến kỳ trả lương. Từ ngày được nhận lương sớm và linh hoạt theo nhu cầu, việc trang trải của gia đình chị có phần dễ thở hơn.
"Trước đây, nếu như chưa có hình thức này thì mình phải đi vay mượn mọi người nên rất bất tiện và ngại ngùng," chị Hoài chia sẻ.
Công ty Cổ phần May BGG Lạng Giang (Bắc Giang) hiện có hơn 2.000 lao động đang làm việc. Lượng nhân công lớn khiến họ quyết định hợp tác với GIMO - nhà cung cấp giải pháp lương linh hoạt hàng đầu tại Việt Nam để số hóa quy trình chi lương.
[Thứ trưởng Bộ Tài chính: Cần khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở]
Mỗi công nhân có thể theo dõi phần lương tạm tính và quyết định nhận lương sớm nếu muốn thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Thay vì đợi đến ngày trả lương cố định mỗi tháng, người lao động có thể chia nhỏ và nhận các khoản tùy theo nhu cầu, trang trải các chi phí phát sinh.
Ông Dương Thanh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần May BGG Lạng Giang, chia sẻ nhận lương linh hoạt là một chương trình phúc lợi thiết thực, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động.
Đồng thời, việc triển khai giải pháp tài chính số an toàn và nhân văn như GIMO cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chăm lo sức khỏe tài chính cho công nhân trong buổi đối thoại với hơn 4.500 công nhân ngày 12/6 vừa qua tại Bắc Giang.
Một mũi tên trúng hai đích
Giải pháp chi và nhận lương linh hoạt giúp người lao động chủ động hơn khi quản lý tài chính cá nhân. Thao tác nhận lương sớm qua ứng dụng GIMO nhanh chóng, dễ dàng, hỗ trợ doanh nghiệp chăm lo kịp thời cho từng nhu cầu của người lao động.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, công nhân tại Công ty Cổ phần May BGG Lạng Giang, cho biết: "Những tháng gần cuối tháng hết tiền thì mình có thể nhận lương sớm, để có thể trang trải học phí hay đóng tiền ăn cho con.”
Phúc lợi lương linh hoạt không chỉ tạo sự tiện lợi, đảm bảo đời sống cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp tăng sức hút trên thị trường tuyển dụng.
Ông Dương Thanh Tuấn nhận xét: “Đây là một cách tiếp cận mới, tăng thêm uy tín của doanh nghiệp đối với người lao động. Khi mình trả lương ổn định và có thêm dịch vụ phúc lợi cho người lao động, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Khi được tiếp cận và làm việc trong doanh nghiệp, họ cũng yên tâm giải quyết các kế hoạch tài chính của mình."
Nghiên cứu của Harvard Kennedy School năm 2018 chỉ ra rằng, những doanh nghiệp đi đầu triển khai mô hình chi lương linh hoạt sẽ tăng tỷ lệ giữ chân lao động lên 18-25%.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đang chủ động tìm hiểu và ứng dụng giải pháp công nghệ này trong quản trị nhân sự. Việc được tiếp cận tới những giải pháp tài chính số an toàn và ưu việt, như nhận lương linh hoạt cùng GIMO, vừa có thể giúp doanh nghiệp thu hút nhân sự, vừa có thể hạn chế được tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen./.