Chỉ khi phụ nữ được đối xử bình đẳng, họ mới tự do là chính mình!

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho rằng, phụ nữ chỉ sáng tạo nhất, được là chính mình nhất, hạnh phúc nhất khi họ thoát khỏi những quan niệm mang tính khuôn mẫu về giới.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đã qua rồi cái thời chỉ có người đàn ông là người duy nhất kiếm ra tiền, quyết định những chuyện quan trọng trong gia đình. Phụ nữ ngày nay ngày càng độc lập hơn, họ đấu tranh để giành lấy quyền quyết định cuộc đời, tự do lựa chọn cách sống. Nhưng ở đâu đó, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp câu chuyện về những người phụ nữ chấp nhận hy sinh lợi ích bản thân, sống cam chịu với bạo lực gia đình.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã có những chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về những khó khăn trên hành trình đấu tranh cho bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới ở Việt Nam.

Bất bình đẳng giới trở nên tinh vi hơn

- Thưa bà, là một người đã có nhiều năm liền đấu tranh cho bình đẳng giới, theo bà thì bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào?

Bà Nguyễn Vân Anh: Tôi nghĩ rằng bình đẳng giới ở Việt Nam có những sự thay đổi rất lớn. Hiện nay, xã hội Việt Nam rất hiện đại, tỷ lệ lao động là dân văn phòng, công nhân, cán bộ đã nhiều hơn so với trước kia, khi mà tỷ lệ người dân làm nông nghiệp là chủ yếu. Đặc biệt, phụ nữ ngày nay tham gia vào tất cả các công việc, lĩnh vực và họ thành đạt nhiều hơn.

Trong xã hội ngày hôm nay, người ta có thể thấy rằng phụ nữ xuất hiện trong xã hội nhiều không kém, thậm chí ngang ngửa nam giới. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng giới trong xã hội hiện đại đang trở nên tinh vi hơn rất nhiều.

Tôi lấy ví dụ như quan điểm của xã hội về việc “đại gia và chân dài”, trong mối quan hệ đó, những người phụ nữ “chân dài” không phải là những người tìm thấy nửa kia của cuộc đời và hoà hợp mà chỉ được coi như là “công cụ” trang trí. Tất nhiên, không phải trường hợp nào “đại gia-chân dài" cũng như vậy, nhưng cái cách chúng ta đang cổ vũ cho việc những người phụ nữ đẹp mới lấy được đàn ông thành công, giàu có lại đang thể hiện điều đó.

Có một sự tinh vi nữa là hiện giờ mặc dù phụ nữ cũng là người kiếm tiền, là “tay hòm chìa khóa”, là người đóng góp khá nhiều cho xã hội nhưng mà cái cách xã hội ứng xử và trao quyền cho phụ nữ... vẫn không bình đẳng, điều này có thể thấy rõ qua tỷ lệ lãnh đạo là phụ nữ còn ít.

Phụ nữ có thể làm việc rất hiệu quả nhưng vài trò quyết định vẫn rất thấp, điển hình là “hội chứng cấp phó”. Phụ nữ làm cấp phó để làm đẹp, để lo “tay hòm chìa khóa”, “ma chay, hiếu hỷ” hay là những vấn đề đời sống tình cảm chứ ít người nghĩ rằng phụ nữ cũng có quyết định lớn cho đơn vị, cho tổ chức, các chính sách của nhà nước.

Theo tôi, bất bình đẳng giới đang trở nên tinh vi, khó nhận thấy rõ ràng và chúng ta phải tìm mọi cách để tiếp tục thay đổi, khắc phục tình trạng này vì một xã hội phát triển hơn.

- Người ta hay nói rằng, bình đẳng là “phụ nữ làm những việc của đàn ông và đàn ông làm những việc của phụ nữ”, bà nghĩ thế nào về quan niệm này?

Bà Nguyễn Vân Anh: Theo tôi thì không phải cứ phụ nữ làm việc của đàn ông, đàn ông làm việc của phụ nữ mới là bình đẳng. Nói đến bình đẳng người ta hay nói nhiều đến việc đàn ông cũng phải rửa bát, quét nhà, đi chợ... là vì đàn ông không tham gia làm những việc nhà mà mặc nhiên đây là việc của phụ nữ và trút gánh nặng việc gia đình lên vai phụ nữ.

Theo tôi thì nếu trong gia đình phân công công việc phù hợp với sức khỏe, với mong muốn, có sự chia sẻ để không ai phải gánh trách nhiệm quá nhiều thì đấy mới là bình đẳng.

Theo cách nghĩ cũ thì đàn ông phải là trụ cột kiếm tiền, quyết định hết tất cả những công việc lớn trong gia đình, thế nhưng cũng có rất nhiều người phụ nữ mạnh mẽ và họ có khả năng quyết định, kiếm tiền nhiều hơn. Chúng ta không nên kỳ thị đối với người đàn ông không có cơ hội, điều kiện về sức khoẻ, năng lực và may mắn để có thể làm những công việc mang tính trụ cột của gia đình.

Khi nào mà chúng ta không định kiến với cả nam và nữ thì mới là bình đẳng. Chúng ta có thể lựa chọn công việc mà không ấn định công việc nào là của nam, của nữ mà lựa chọn theo khả năng, theo mong muốn, không bị mất cân bằng khi phân chia vai trò lao động trong gia đình và ngoài xã hội mới là bình đẳng.

Bà Nguyễn Vân Anh trong cho rằng định kiến giới đang cản trở hạnh phúc của mỗi cá nhân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nỗi sợ hãi "dẫn dắt" những người phụ nữ bị bạo lực

- Có những người phụ nữ họ không bao giờ dám nghĩ đến việc được bình đẳng vì họ đã sống quá quen với việc cam chịu, trong những người phụ nữ đã tìm đến bà để được trợ giúp, câu chuyện nào khiến bà cảm thấy điển hình nhất?

Bà Nguyễn Vân Anh: Thời gian gần đây, khi tôi chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện về một phụ nữ bị chồng đánh đập đến rạn xương đầu, chồng đi làm tối ngày cứ về nhà “đá thúng đụng nia”, bắt vợ phụ vụ nhu cầu tình dục quái đản, phải nấu cơm cho chồng và các bạn gái của chồng… đã có rất nhiều người lên án rằng cô ấy nhu nhược, không có lòng tự trọng nên chấp nhận cuốc sống như vậy… Nhưng theo tôi biết thì có nhiều phụ nữ sống với người gia trưởng lâu quá người ta mất hết ý chí, niềm tin vào khả năng của mình. Họ bị sợ hãi dẫn đắt và chỉ biết làm theo sự sợ hãi đó.

Tôi đã đến gặp và trực tiếp hướng dẫn bạn gái này, gặp hội phụ nữ, hàng xóm của bạn và nói chuyện với bạn rất nhiều. Ngay khi bạn thấy rằng “À, hóa ra có những người đứng bên cạnh mình và có thể xin hỗ trợ của họ” thì bạn đã trở nên rất mạnh mẽ. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ, bạn đã có số của trưởng công an xã, hội trưởng hội phụ nữ để xin trợ giúp khi cần.

Tôi cũng hướng dẫn bạn phải tránh mặt khi chồng nổi nóng, cách cầu cứu những người xung quanh, sự cần thiết của việc có mặt của người khác để anh ta biết rằng nếu anh ta đánh vợ, chửi vợ sẽ bị pháp luật xử lý. Chỉ một tuần sau khi có sự can thiệp của chúng tôi và hội phụ nữ, công an xã… bạn có tâm sự với tôi rằng cuộc sống đã đỡ hơn rất nhiều, lời nói của chồng đã dễ nghe hơn, cuộc sống vợ chồng cũng ôn hòa hơn...

Trong quá trình làm việc, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người phụ nữ bị bạo lực, nhất là những người bị bạo lực lâu năm thì họ rất yếu đuối. Thế nhưng, nếu họ biết rằng có sự hỗ trợ luôn sẵn sàng và liên tục thì họ vẫn có thể chống chọi lại theo cách của họ. Có trường hợp họ lựa chọn ly hôn và có người lựa chọn không ly hôn, nhưng quan trọng nhất là những người phụ nữ này phải được an toàn.

- Thực tế thì không khó để tìm thấy trong cuộc sống câu chuyện về những phụ nữ phải chấp nhận hy sinh, sống cam chịu... Vậy theo bà thì điều gì đang giới hạn người phụ nữ Việt Nam khiến các chị em không được sống theo cách mà mình mong muốn?

Bà Nguyễn Vân Anh: Phụ nữ Việt Nam có nhiều tố chất tốt như manh mẽ, cởi mở, sẵn sàng học hỏi những cái mới, dân chủ…. và là người can trường, sáng tạo. Tôi đã gặp rất nhiều người phụ nữ rất kiên cường nhưng cũng có những người phụ nữ sống cam chịu. Thực ra, trong câu chuyện này, thấu hiểu ý nghĩa của tự do rất quan trọng. Người ta chỉ sáng tạo nhất, được là chính mình nhất, hạnh phúc nhất khi thoát khỏi quan niệm mang tính khuôn mẫu về giới.

“Vì tôi là phụ nữ nên tôi có thông minh cũng phải giả ngu để được lòng người đàn ông của mình và mọi người xung quanh...”- khi người phụ nữ còn suy nghĩ như vậy, họ sẽ tự “đóng khung” mình, không được sống là mình thì sẽ không thể phát triển. Điều đó có nghĩa là những thứ đáng được phát triển, thay đổi, sáng tạo lại đang bị kìm hãm.

Thực ra, khi phụ nữ được sống với những giá trị của chính họ cũng là giúp đỡ cho đàn ông rất nhiều. Đàn ông sẽ giảm đi gánh nặng khi thoát khỏi định kiến: “Dứt khoát đàn ông lúc nào cũng phải là trụ cột gia đình, phải mạnh khỏe, phải kiếm tiền, phải thành đạt….” Theo tôi thì nếu còn có chữ “phải” gắn với nam giới và phụ nữ đều cản trở cho sự phát triển, cản trở hạnh phúc của mỗi một cá nhân.

- Xin cảm ơn bà!

Bà Nguyễn Vân Anh gửi thông điệp nhân ngày 8/3
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục