Chi hơn 660 triệu USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa

Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 660 triệu USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 660 triệu USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Hàng loạt loại sữa bột cho trẻ em tăng giá từ ngày hôm nay]

Trong số đó, Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm chủ yếu từ thị trường New Zealand, chiếm 33,1% tỷ trọng đạt 222,3 triệu USD, tăng 47,27% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 8/2018 kim ngạch nhập khẩu sữa từ thị trường này đạt 24 triệu USD, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam cũng nhập từ thị trường Đông Nam Á với giá trị khoảng 152,8 triệu USD. Tiếp đến là các nước EU, đạt 124 triệu USD giảm 19,76% so với cùng kỳ.

- Các thị trường cung cấp sữa của Việt Nam trong 8 tháng:

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), kể từ ngày 1/1/2018 hàng nghìn dòng thuế từ Liên minh Kinh tế Á-Âu, ASEAN điều chỉnh về 0%, thị trường sữa trong nước ổn định trong suốt quý 1/2018. Bước sang quý 2/2018 thị trường đã có sự điều chỉnh giá từ các công ty kinh doanh, tuy nhiên mức giá vẫn thuộc sự giám sát và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, từ ngày 1/5/2018, Nestle công bố tăng giá sữa trong phạm vi 5% đối với 11 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em, đây là lần thứ hai Nestle Việt Nam tăng giá đối với dòng sản phẩm này kể từ khi quy định giá trần được dỡ bỏ (31/3/2017) và Bộ Công Thương có thông tư hướng dẫn việc đăng ký giá, kê khai giá các mặt hàng sữa và sản phẩm (Thông tư 08/2017, có hiệu lực từ 10/8/2017).

Ngày 1/8/2018 hàng loạt sữa bột trẻ em Optimum Gold 1, Optimum Gold 2, Optimum Gold 3 và Optimum Gold 4 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tăng giá mỗi sản phẩm từ 10.000 đồng đến khoảng 20.000 đồng/hộp thiếc, mức tăng giá sữa trong phạm vi 5%.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có sản phẩm mới bổ sung thêm vi chất (HMO, IQ...) bán ra trên thị trường như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Friesland Campina, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dinh dưỡng 3A Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestle Việt Nam... So sánh với những sản phẩm tương quan trên thị trường, những sản phẩm này có mức tăng từ 3-7%.

Nguyên nhân tăng, theo giải thích của các doanh nghiệp trong ngành sữa bởi chi phí sản xuất đầu vào tăng (giá nguyên liệu thế giới tăng 12-20%, giá ngoại tệ, giá xăng dầu tăng….).

Cùng với đó, một thời gian dài (gần 3 năm) thực hiện chương trình Bình ổn giá của Chính phủ, giá sữa của các doanh nghiệp ổn định hoặc giảm giá tùy từng chủng loại gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục