Chị em chia sẻ ‘tip’ tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu hiệu quả

Phân bổ các khoản chi phí sao cho hợp lý là một vấn đề "nan giải" với nhiều người. Để khắc phục tình trạng này, nhiều chị em đang truyền tai nhau những mẹo để cân đối chi tiêu một cách hiệu quả.
Chị em chia sẻ ‘tip’ tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu hiệu quả ảnh 1Người tiêu dùng nên lập sẵn kế hoạch mua sắm để tránh phát sinh những khoản chi tiêu không cần thiết. (Ảnh minh họa: Việt Anh/Vietnam+)

Đối với nhiều chị em phụ nữ, những lần tiêu tiền "vung tay quá trán" hoặc dành thời gian cả ngày để nghĩ về chuyện ăn-mặc gì không còn là vấn đề mới mẻ. Nhiều người cho biết dù đã cố kiểm soát chi tiêu cá nhân, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi việc có những tháng mức chi tiêu vượt quá dự tính.

Bởi vậy, việc từ bỏ những thói quen mua sắm đồ không cần thiết và những mẹo kiểm soát chi tiêu tối đa cho gia đình được nhiều chị em quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Một trong những vấn đề của người tiêu dùng là dễ "thay đổi kế hoạch" khi mua sắm, dẫn đến việc phát sinh các khoản phí "dư thừa" cho những món đồ không thực sự cần thiết. Nhằm khắc phục tình trạng này, chị Thu Hường, người dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết việc tạo lập sẵn một danh sách gồm những món đồ cần mua là một trong những cách hiệu quả để hạn chế chi tiêu.

"Không chỉ áp dụng với số tiền, kế hoạch chi tiêu cũng có thể được lập theo mốc thời gian, ví dụ như bạn chỉ mua sắm vào hai ngày cuối tuần, hoặc chỉ ăn trưa ở ngoài vào các ngày chẵn-lẻ... Với cách này, tôi hoặc người thân sẽ chỉ tập trung vào những 'kế hoạch' từ trước, như vậy số lượng các khoản chi tiêu phát sinh ngoài dự kiến sẽ được giảm đến mức tối thiểu," chị Hường chia sẻ.

[Những mẹo quản lý tài chính mà các cặp đôi cần biết]

Nếu các khoản chi tiêu ngắn hạn theo ngày, theo tuần cần lên danh sách từ trước thì mục tiêu tài chính dài hạn của gia đình cũng cần được lập một kế hoạch cụ thể, để có những thay đổi tích cực về lâu dài. Chia sẻ về mẹo quản lý chi tiêu hiệu quả, chị Mai Hoa, người dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết việc ghi chép, kiểm kê lại mức thu nhập và chi tiêu hằng tháng sẽ giúp chị em theo dõi và kiểm soát được nguồn thu-chi của gia đình.

"Chị em có thể sử dụng sổ tay hoặc các ứng dụng trên điện thoại để quản lý chi tiêu như Timo, Money Lover, Money Manager... Một số tính năng phân loại mục tiêu tài chính sẽ giúp người tiêu dùng phân bổ các khoản tiền vào từng 'ngăn' theo mục đích sử dụng. Các con số cụ thể sẽ giúp người dùng biết được tài chính đang bị "thâm hụt" hoặc dư dả từ những nguồn nào, từ đó có những điều chỉnh và thay đổi hành vi tiêu dùng phù hợp hơn," chị Hoa chia sẻ.

Một mẹo "xưa như trái đất" nhưng vẫn phát huy hiệu quả tối đa - đó là nấu ăn tại nhà thay vì ra các hàng quán. Đặc biệt là với những người có thu nhập chưa cao, nấu ăn tại nhà luôn là một trong những câu trả lời phổ biến khi được hỏi về phương pháp kiểm soát chi tiêu. Bên cạnh phương diện tài chính, nấu ăn tại nhà còn bảo đảm an toàn cho sức khỏe khi người mua đã nắm rõ chất lượng nguyên liệu và các phương pháp chế biến món ăn.

"Thực tế là em thường tăng lượng thức ăn chế biến nhiều lên, như vậy sẽ dư ra một bữa sáng hoặc bữa trưa cho ngày mai. 'Gộp hai bữa làm một' cũng là mẹo để tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là với đối tượng sinh viên chưa dư dả về điều kiện kinh tế," Thùy Linh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục