Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời kể từ tháng 7/2020

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, từ ngày 1/7, sẽ có nhiều thay đổi lớn liên quan đến tiền lương, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.

Lương cơ sở vẫn giữ mức 1,49 triệu đồng/tháng

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ 1/7/2020. Đồng thời, giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.

Như vậy, từ 1/7/2020, lương cơ sở giữ mức 1,49 triệu đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019; với việc mức lương cơ sở giữ nguyên thì các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.

Không còn công chức là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập

Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.

Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) quy định: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

[Viên chức sẽ phải chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn]

Như vậy, theo quy định mới thì từ ngày 1/7/2020 người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập như trường học, bệnh viện... không còn là công chức. Vậy họ sẽ thuộc biên chế nào?

Cụ thể, sẽ thuộc biên chế viên chức, sẽ được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bổ nhiệm làm viên chức quản lý để chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.)

Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 vừa được thông qua, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay "chế độ biên chế suốt đời" chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12-60 tháng.

Hiện hành, Luật viên chức 2010 quy định sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, từ 1/7/2020, Luật mới đã loại bỏ nội dung "không giải quyết nghỉ hưu" ra khỏi điều luật. Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây: Cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Hiện hành, chỉ người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được tuyển dụng thông qua xét tuyển...

Một trong những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 là công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc. Theo đó, kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Trong khi theo quy định hiện hành, kết quả chỉ được lưu vào hồ sơ và thông báo đến cán bộ, công chức được đánh giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục