Chỉ còn 26 năm "cơ hội dân số vàng" để tạo bước ngoặt kinh tế

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc khai thác hiệu quả nguồn nhân lực trẻ phục vụ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng.
Chỉ còn 26 năm "cơ hội dân số vàng" để tạo bước ngoặt kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đối với một số nước đang phát triển còn rất thiếu vốn để phát triển như Việt Nam, việc nâng cao chất lượng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực trẻ phục vụ tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu quá trình biến đổi cơ cấu tuổi của dân số và tác động của nó tới tăng trưởng kinh tế nhằm đưa ra các khuyến nghị, giải pháp chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức từ những biến đổi này đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ phát triển tiếp theo là rất thiết yếu.

Tiến sỹ Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị công bố Báo cáo nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách,” do Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức sáng 23/11, tại Hà Nội.

Theo kết quả dự báo dân số giai đoạn 2009-2049 của Tổng cục Thống kê (công bố năm 2011), Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ hội “dân số vàng” từ năm 2007 và thời kỳ này có thể kéo dài đến năm 2041, sau đó sẽ rơi vào giai đoạn "già hóa dân số."

Phát biểu tại hội thảo, bà Ritsu Nacken - Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phân tích, Việt Nam đã trải qua giai đoạn biến đổi dân số lớn trong những thập kỷ vừa qua. Việt Nam cũng đã bước vào thời kỳ “cơ hội dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào, song cũng bước đồng thời vào giai đoạn “già hóa dân số.”

Cơ hội về dân số có thể tạo ra bước ngoặt cho đất nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội dài hạn.

Báo cáo “Tác động của biến đổi cơ cấu dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách” sử dụng phương pháp tài khoản chuyển nhượng quốc gia để phân tích vai trò của dân số theo từng tuổi hoặc nhóm tuổi đối với nền kinh tế thông qua thu nhập và chi tiêu của họ, từ đó xác định giai đoạn dư lợi dân số.

Báo cáo trên được Viện chiến lược phát triển chủ trì nghiên cứu từ năm 2014 với mục đích cung cấp thông tin đầu vào có giá trị liên quan đến dân số và phát triển cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và Báo cáo Việt Nam 2035.

Nghiên cứu cũng sử dụng một số mô hình phân tích kinh tế khác để đánh giá tác động của biến đổi của cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành và toàn bộ nền kinh tế, đồng thời đề xuất một số chính sách để tận dụng và biến "cơ hội dân số vàng” thành “dư lợi dân số” phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đến năm 2049.

Tại hội nghị, phó giáo sư Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Trường đại học Kinh tế Quốc dân đã trình bày báo cáo nghiên cứu tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Long kiến nghị, để phát huy lợi thế dân số vàng để phát triển kinh tế, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động cùng với các chính sách phù hợp để tận dụng lao động lớn tuổi; Nâng cao trình độ, chuyên môn cho nhóm lao động trẻ và việc thúc đẩy cơ chế lan tỏa thông qua phát triển các ngành hỗ trợ cho các ngành có năng suất cao…

Thông qua báo cáo nghiên cứu trên, Viện chiến lược phát triển mong muốn cung cấp cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội những thông tin, bằng chứng, dự báo định lượng đáng tin cậy về tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các khuyến nghị chính sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục