Chính sách bảo hiểm xã hội cho lao động di cư là một trong những nội dung chính sẽ được thảo luận tại Diễn đàn ASEAN lần thứ 9 về lao động di cư diễn ra vào 9-10/10 tới tại Lào.
Bên lề cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN (AMFL) lần thứ 9 tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
- Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016 đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vậy xin ông cho biết hiện nay có bao nhiêu người lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Ông Nguyễn Duy Cường: Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Luật Bảo hiểm xã hội quy định kể từ đầu năm 2016, tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài dù đã đóng hay chưa đóng bảo hiểm xã hội trước đó sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và chỉ tham gia hai chế độ hưu trí và tử tuất.
Đến hiện tại, chỉ có khoảng hơn 3.000 người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi tham gia lao động ở nước ngoài.
- Những năm gần đây, mỗi năm có tới khoảng 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài nhưng tại sao chỉ có hơn 3.000 người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Cường: Trước đây, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2006 quy định, chỉ những người trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội trước khi đi. Nhưng đến năm 2016, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực đã mở rộng thêm tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đến hết năm 2015 khi vẫn áp dụng các quy định cũ, có khoảng trên 2.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đến nay con số này tăng lên trên 3.000 người. Thực tế, trước đây nhóm đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là đối tượng lao động nông thôn nên không thuộc nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên số lượng tham gia còn ít, từ năm 2016 có thể số lượng sẽ tăng dần theo từng năm.
- Nhiều người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài lo lắng rằng nếu không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì không có đủ điều kiện thì sẽ không được đi xuất khẩu lao động, vậy quy định hiện nay như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Cường: Hiện nay, trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không có quy định cấm người lao động nếu không tham gia bảo hiểm xã hội thì không được đi ra nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó, người lao động đi xuất khẩu lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt.
Người lao động có thể chọn đóng một lần cho 3 tháng, 6 tháng, thậm chí một năm hoặc một lần cho cả thời hạn hợp đồng. Nếu khi đi làm việc ở nước ngoài chưa đóng thì khi trở về vẫn có thể truy đóng bảo hiểm xã hội cho cả thời gian hợp đồng.
Người lao động có thể đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để trang trải những khoản tiền phải đóng trước khi đi nếu gặp khó khăn.
- Phương thức đóng linh hoạt, vậy xin ông cho biết về mức đóng bảo hiểm xã hội của những người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài?
Ông Nguyễn Duy Cường: Trước khi đi người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội người lao động sẽ phải đóng 22% trên nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của lao động đi làm việc ở nước ngoài là 2 lần tiền lương cơ sở, nền tiền lương đóng sẽ là 2.420.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng người lao động tiết kiệm, dành khoảng hơn 500.000 đồng/tháng để lo cho tuổi già.
Đối với người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc rồi thì tham gia bảo hiểm xã hội dựa trên nền tiền lương đã đóng trước đó.
- Thực tế, một số quốc gia tiếp nhận lao động cũng có quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội, vậy làm thế nào để người lao động không phải đóng hai lần bảo hiểm xã hội, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Cường: Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành đàm phán để ký kết hiệp định với hai quốc gia là Đức và Hàn Quốc về liên thông bảo hiểm xã hội. Ví dụ như một người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội khi sang Đức hoặc Hàn Quốc cũng có quy định đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam để tránh tình trạng đóng trùng hai lần bảo hiểm xã hội.
- Xin cảm ơn ông!