Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có báo cáo thống kê số lượng phương tiện quá tải được kiểm tra tại 63 trạm kiểm soát tải trọng xe ở các địa phương sáu tháng vừa qua (từ 1/4 đến hết ngày 15/9) trong đó chỉ có 16,3 % tổng số xe vi phạm.
Cụ thể, lực lượng thực thi nhiệm vụ ở các trạm cân trên địa bàn cả nước đã kiểm tra hơn 252.109 xe nhưng chỉ phát hiện được gần 41.143 phương tiện quá tải vi phạm, chiếm hơn 16% tổng số xe.
Qua triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác kiểm soát tải trọng xe, theo báo cáo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lượng xe quá tải đã giảm cơ bản, đặc biệt là xe chở hàng đường dài. Nhiều lái xe, chủ xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải đã có ý thức chấp hành tốt hơn.
“Trước đây, tình trạng xe quá tải đi công khai, phổ biến, thách thức dư luận. Đến nay, còn một số lái xe, chủ xe, chủ hàng vẫn chạy quá tải nhưng phải lén lút, hoạt động vào ban đêm, trốn, né trạm,” báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ.
Liên quan đến việc xử lý xe cơi nới trái phép kích thước thùng chở hàng, từ ngày 1/8 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, nhà thầu, Ban Quản lý dự án giao thông.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 9, các đoàn thanh tra thuộc Cục Quản lý Đường bộ I, II, III, IV đã tiến hành kiểm tra 556 doanh nghiệp, dự án của 27 địa phương trong đó kiểm tra 5.694 xe của các doanh nghiệp, phát hiện 775 xe vi phạm kích thước thùng chở hàng, đã giữ tem kiểm định của 125 xe và xử lý cắt thùng trực tiếp đối với 226 xe đồng thời yêu cầu lái xe, chủ xe, doanh nghiệp, nhà thầu, Ban quản lý dự án cam kết khắc phục đối với 408 trường hợp và tạm giữ các giấy tờ liên quan đối với 16 trường hợp.
Trong tháng 10 này, các đoàn thanh tra của các Cục sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các địa phương gồm Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Bình Định; Gia Lai; Tây Ninh; Bình Dương.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu cảng biển ký cam kết không xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép. Đến hết ngày 24/9, đã có 181/211 doanh nghiệp khai thác cảng biển ký cam kết.
Ngoài ra, tại các địa phương, Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh, thành đã tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn ký cam kết không chở quá tải, các đơn vị đầu mối hàng hoá cam kết thực xếp hàng hóa lên xe ôtô theo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT.
Để đảm bảo công tác “siết” tải trọng thực hiện có hiệu quả hơn, Ủy ban An toàn giao thông đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với công an các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lách luật, trốn tránh trạm cân tải trọng và chống đối lực lượng thực thi công vụ; xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng xã hội “đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên một số tuyến đường bộ đống thời nghiên cứu bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng trạm kiểm soát tải trọng cố định vào dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên.
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ôtô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký của xe.
Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, phân bón, nông sản, xây lắp các công trình có sử dụng kết cấu siêu trường, siêu trọng, kinh doanh xăng, dầu... thực hiện nghiêm các quy định về xếp hàng hóa lên xe ôtô, cương quyết không để tình trạng xe ôtô chở hàng quá tải đi và đến các đầu mối hàng hóa của doanh nghiệp./.