Chỉ 25% mức thiệt hại liên quan đến khí hậu tại EU được trả bảo hiểm

Việc không được bảo hiểm chi trả gây rủi ro cho nền kinh tế và sự ổn định tài chính của EU, bắt nguồn từ việc các hộ gia đình không được bảo hiểm và các doanh nghiệp không thể nhanh chóng phục hồi.
Cơ sở hạ tầng và phương tiện bị tàn phá do mưa lũ tại Bad Neuenahr-Ahrweiler, miền Tây Đức ngày 16/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ quan quản lý bảo hiểm và hưu trí của châu Âu (EIOPA) cho rằng việc phát hành “trái phiếu thảm họa” và thiết lập quan hệ đối tác công-tư có thể giúp lấp đầy “khoảng trống bảo hiểm” để chi trả bảo hiểm tốt hơn cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

"Trái phiếu thảm họa" được phát hành để dự phòng rủi ro chủ yếu liên quan đến các thảm hoạ thiên nhiên.

Một văn bản của ECB và EIOPA mà hãng tin Reuters có được cho thấy chỉ 25% mức thiệt hại do các thảm họa liên quan đến khí hậu tại Liên minh châu Âu (EU) được bảo hiểm chi trả.

Điều này gây rủi ro cho nền kinh tế và sự ổn định tài chính của EU, bắt nguồn từ việc các hộ gia đình không được bảo hiểm và các doanh nghiệp không thể nhanh chóng phục hồi sau các sự kiện gây hậu quả nghiêm trọng như hỏa hoạn hoặc lũ lụt.

ECB và EIOPA cho rằng nếu không hành động, “khoảng trống bảo hiểm” có thể nới rộng hơn nữa do càng xảy ra nhiều thảm họa càng làm tăng phí bảo hiểm. Các chuyên gia ECB và EIOPA cũng cảnh báo tác động đối với nguồn cung tín dụng của các ngân hàng trong các lĩnh vực có rủi ro cao.

Dữ liệu chính thức cho thấy, trong giai đoạn 1980-2020, tổng thiệt hại từ các thảm họa xảy ra ở EU lên tới 487 tỷ euro (535 tỷ USD). Trong năm 2022, công ty bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ ước tính thiệt hại do thảm họa gây ra được bảo hiểm chi trả là 120 tỷ USD.

Người đứng đầu EIOPA, bà Petra Hielkema, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết mối quan ngại về “khoảng trống bảo hiểm” ngày càng nới rộng bằng cách đề xuất và tìm kiếm các giải pháp phù hợp.

ECB và EIOPA cho rằng phát hành “trái phiếu thảm họa” có thể giúp các công ty bảo hiểm vượt qua một số rủi ro đối với thị trường vốn để hạn chế phí bảo hiểm, giúp đẩy nhanh tiến độ thanh toán bảo hiểm sau khi xảy ra thiên tai để tránh gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Ngoài ra, các nước EU có thể triển khai các chương trình bảo hiểm cấp quốc gia để đảm bảo cung cấp đủ ngân sách cho các nước trong khu vực để hỗ trợ tái thiết sau những thảm họa hiếm xảy ra, quy mô lớn liên quan đến khí hậu.

Dự kiến, ngày 22/5 tới, EU sẽ tổ chức cuộc họp để thảo luận vấn đề này.

[LHQ kêu gọi tăng cường hỗ trợ các quốc gia kém phát triển nhất]

Năm 2022, các quốc gia nghèo nhất thế giới cho biết họ sẽ tiếp tục thúc đẩy để các cuộc đàm phán sắp tới của Liên hợp quốc về vấn đề khí hậu đưa ra các đề xuất gây quỹ bù đắp thiệt hại cho các quốc gia dễ tổn thương do biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp ở thủ đô Dakar của Senegal ngày 14/9/2022, các bộ trưởng và chuyên gia của 46 quốc gia thuộc khối Các nước kém phát triển nhất (LDC) nêu rõ đất nước của họ mặc dù ít phải chịu trách nhiệm nhất về phát thải khí carbon - yếu tố gây biến đổi khí hậu, nhưng được dự báo sẽ chịu nhiều tác động nhất do vấn đề này.

Trong tuyên bố đưa ra cuối ngày 14/9/2022, các bộ trưởng và các chuyên gia của khối LDC nhấn mạnh rằng việc thiết lập một cơ chế bù đắp cho những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra là yếu tố "quan trọng cốt lõi."

Họ cũng nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên, đặc biệt là các quốc gia phát thải lớn, giảm nhanh và giảm sâu lượng khí thải carbon, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế giàu có thực hiện các cam kết trước đây về viện trợ khí hậu.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Môi trường Senegal, ông Abdou Karim Sall, nhấn mạnh rằng các quốc gia đang phải tự mình chống chọi với những thiệt hại do biến đổi khí hậu. Do đó, điều cần thiết là phải thành lập một quỹ để khắc phục những thiệt hại và mất mát, đặc biệt là dành cho các quốc gia kém phát triển nhất.

Khối LDC, chủ yếu gồm các quốc gia châu Phi và châu Á, đang tích cực vận động kêu gọi bù đắp cho các nước dễ tổn thương đang chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra chẳng hạn như lũ lụt và nước biển dâng. Khối này mong muốn các cuộc đàm phán sắp tới sẽ thiết lập một cơ chế để cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục