Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 10, cả nước đã nhập 147.000 tấn phế liệu sắt thép với giá trị 147 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm 13,2% về giá trị so với tháng 9.
Tuy vậy, tính chung 10 tháng, nhập khẩu phế liệu sắt thép vẫn tăng 51,1% về lượng và tăng 42,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 4,3 triệu tấn, tương đương 1,532 tỷ USD.
[Kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu]
Trước đó, trong 9 tháng, Việt Nam đã nhập 1,16 triệu tấn, trị giá 432,55 triệu USD từ Nhật Bản. Ngoài ra, nhập khẩu từ thị trường Mỹ đạt 660.238 tấn, trị giá 236,2 triệu USD.
- Phế liệu và sắt thép nhập khẩu tháng 10 và 10 tháng năm 2018:
Liên quan đến mặt hàng này, ngày 6/11, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu nhằm triển khai một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu ban hành kèm theo Thông tư này gồm một số nhóm hàng thuộc các chương 25, 26, 38, 47, 50, 51, 52, 55, 63, 70, 72, 74, 75, 76, 79, 80, 81; không áp dụng đối với trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, thông qua cửa khẩu Việt Nam.
Đối với những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.
Thông tư số 41/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2018 đến hết ngày 31//12/2019.