Theo một nghiên cứu mới được Hay Group, một tổ chức tư vấn quản lý toàn cầu, công bố, khoảng cách về tiền lương giữa các nhà quản lý cấp cao với những nhân viên ở các cấp thấp hơn đã nới rộng tại Bắc Mỹ và châu Á nhiều hơn là tại châu Âu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Nghiên cứu trên cho biết, sự chênh lệch này gia tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu xảy ra. Tại Bắc Mỹ, trong khoảng thời gian từ 2008-2014, khoảng cách chênh lệch đã tăng thêm 7,2%, tại châu Á tăng 12,5% và tại châu Âu tăng 2,2% - mức tăng nhỏ nhất so với các khu vực khác trên toàn thế giới.
Năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã từng cảnh báo rằng sự bất bình đẳng trong thu nhập có thể dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm hơn hoặc kém bền vững hơn.
Nghiên cứu cũng nói rằng nhiều công ty ở châu Âu đã cắt giảm lương toàn bộ nhân viên từ các nhân viên cấp cao đến những nhân viên bình thường để tránh tình trạng thất nghiệp.
Trong khi ở Mỹ, các công ty cắt giảm việc làm nhiều hơn và tăng lương cho các nhân sự cấp cao để gắn thêm trách nhiệm với họ. Khoảng cách lương giữa nhân viên bình thường và nhân viên quản lý cấp cao ở Mỹ đã tăng thêm 10,6% trong giai đoạn 2008-2014, riêng năm ngoái nhân viên quản lý cấp cao được trả lương trung bình cao hơn gấp bốn lần so với các nhân viên ở các cấp thấp hơn.
Ở châu Âu, cách biệt lương tại Anh tăng 5,3% lên mức gấp 3,3 lần, trong khi tại Đức chỉ tăng 0,3% lên mức gấp 2,8 lần. Tại châu Á, khoảng cách này ở Trung Quốc tăng thêm 7,8% lên mức gấp 12,7 lần, trong khi tại Nhật cũng chỉ tăng 2,1% lên mức gấp 3,3 lần.
Hay Group cho biết các số liệu trên được tổ chức này nghiên cứu từ trên 16 triệu người ở 24.000 công ty và tổ chức./.