Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ý đồng tình với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công được Ngân hàng Nhà nước tính toán là hơn 56%. Trong khi ấy lãnh đạo Bộ Tài chính thì cho rằng, cách tính của ngành tài chính để giúp các bộ ngành tự xem xét lại số vốn chưa được giao và báo cáo kịp thời.
[Bộ Tài chính nói gì vụ “nhầm” tỷ lệ giải ngân của Ngân hàng Nhà nước?]
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Ngân hàng Nhà nước là bao nhiêu mới chính xác là câu hỏi được nêu lên tại buổi họp báo Chính phủ tối 3/8. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân ở Ngân hàng Nhà nước theo báo cáo của Bộ Tài chính mới đạt 5,8% trong khi ngành ngân hàng lại cho rằng tỷ lệ của mình là hơn 56%.
Trả lời cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, sự khác biệt là do cách tính khác nhau, một cách tính dựa trên mẫu số là tổng số vốn kế hoạch theo nghị quyết của Quốc hội, một cách tính trên cơ sở con số Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi ấy, theo Thứ trưởng, số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành thực tế thấp hơn con số trong nghị quyết của Quốc hội vì một số thủ tục của các bộ chưa hoàn thiện nên chưa giao vốn đầu tư.
Tuy nhiên, bản thân Thứ trưởng Đông cho rằng, nên lấy số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao để tính tỷ lệ.
“Người ta được giao thì mới giải ngân được, còn số theo nghị quyết của Quốc hội là tổng chung,” ông Đông nói.
Lên tiếng giải thích thêm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nghị quyết của Quốc hội giao Ngân hàng Nhà nước tổng vốn là hơn 73 tỷ đồng nhưng thực tế Thủ tướng Chính phủ chỉ giao ngành ngân hàng hơn 7 tỷ đồng.
“Bây giờ ngân hàng giải ngân hơn 4 tỷ đồng, nên tỷ lệ đạt 56% chứ không phải 5,8%,” Bộ trưởng nói.
Về phía mình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định: “Con số đưa ra đều đúng.” Tuy nhiên, bà nói thêm, việc so sánh con số giải ngân của các bộ với tổng vốn trong kế hoạch của nghị quyết Quốc hội sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước hoặc bất cứ bộ nào phải xem xét số chưa được giao và báo cáo xử lý kịp thời. Theo bà, trường hợp nếu không giao tiếp thì phải thu hồi hoặc có phương án xử lý khác.
“Số so sánh đó giúp các bộ, ngành nhìn nhận khách quan và xử lý số chưa được giao,” lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh lại./.