Chế tạo thành công vắcxin phòng bệnh amip sau 20 năm nghiên cứu

Đại học tự trị Aguascalientes Mexico (UAA) đã điều chế thành công một loại vắcxin tái tổ hợp có khả năng tăng cường hệ miễn dịch đối với đơn bào Entomoeba histolytica, tác nhân gây bệnh do amip.
Chế tạo thành công vắcxin phòng bệnh amip sau 20 năm nghiên cứu ảnh 1Đơn bào Entamoeba histolytica. (Nguồn: wikipedia.org)

Sau 20 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học tự trị Aguascalientes Mexico (UAA) đã điều chế thành công một loại vắcxin tái tổ hợp có khả năng tăng cường hệ miễn dịch đối với đơn bào Entomoeba histolytica, tác nhân gây bệnh do amip.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, giáo sư Javier Ventura Juárez, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu trên, cho biết mặc dù amip chưa được coi là một bệnh nguy hiểm, nhưng nó ảnh hưởng tới 40% dân số thế giới, đặc biệt là người nghèo. Để ngăn chặn căn bệnh này cần một loạt các cơ chế bảo vệ như sử dụng nước sạch và chế độ dinh dưỡng tốt.

[Amip ký sinh giết chết tế bào bằng cách ngoạm từng mảng]

Mặc dù cơ thể con người được bảo vệ bởi hệ miễn dịch chống lại ký sinh trùng, nhưng đơn bào Entomoeba histolytica vẫn rất dễ thâm nhập. Entomoeba histolytica gây các bệnh tiêu chảy và đau dạ dày. Nếu không phát hiện sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Theo giáo sư Ventura Juárez, loại vắcxin mới nói trên đã cho các kết quả tốt sau các thử nghiệm tiền lâm sàng và có khả năng tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh khác.

Vắcxin mới sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá mức độ an toàn sinh học, sau đó xin chứng chỉ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và bước tiếp theo là ứng dụng trên cơ thể người.

Bệnh do amip là bệnh nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica, bệnh gây tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng và có khả năng gây ra các ổ nhiễm trùng ở những cơ quan khác nhau (gan, não...). Bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực.

Khoảng 90% các trường hợp nhiễm amip đều không có triệu chứng rõ rệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục