Anh Tomas Kapler tại Cộng hòa Séc không có nhiều kiến thức về máy trợ thở do công việc của anh là tư vấn kinh doanh trên mạng, chứ không phải là một kỹ sư hay chuyên gia y tế.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến tình trạng thiếu máy trợ thở ở các bệnh viện ở miền Bắc Italy, nguyên nhân khiến tính mạng của các bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng "ngàn cân treo sợi tóc," anh đã quyết định sản xuất máy trợ thở.
Máy trợ thở là một mặt hàng vô cùng cần thiết trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. Giá của mặt hàng này tăng vùn vụt trong khi các nhà máy sản xuất hoạt động hết công suất cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng vọt.
[Mỹ: Các công ty vũ khí và thiết bị y tế hợp tác sản xuất máy trợ thở]
Bên cạnh đó, linh kiện cũng hết sức khan hiếm. Vì vậy, anh Kapler đã quyết định chế tạo máy trợ thở từ những linh kiện được sử dụng trong các loại máy thông thường khác.
Anh Kapler đã lập một nhóm tình nguyện viên gồm 30 người để mày mò chế tạo máy trợ thở. Một chiến dịch quyên góp để có đủ kinh phí đã nhanh chóng được phát động.
Anh Kapler đã đề nghị giáo sư Karel Roubik chuyên về cơ khí y sinh tại Đại học Kỹ thuật Cộng hòa Séc giúp đỡ.
Thông qua ứng dụng Skype, vị giáo sư này đã tập hợp một nhóm gồm các đồng nghiệp để chế tạo máy mẫu đầu tiên trong khoảng thời gian kỷ lục - vỏn vẹn 5 ngày so với thời gian chế tạo thông thường phải mất một năm.
Mẫu máy trợ thở CoroVent đã được thử nghiệm tại phòng thí nghiệm ở Kladno, phía Tây thủ đô Praha. Theo giáo sư Roubik, với thiết kế đơn giản, máy CoroVent thực hiện tốt chức năng trợ thở, giá thành thấp và có thể đưa vào sản xuất hàng loạt.
Một nhóm các phi công tình nguyện đã lái máy bay để phục vụ công tác vận chuyển thiết bị cần thiết trong khi công ty năng lượng và hóa chất MICO đã đề nghị được tham gia công đoạn sản xuất máy.
Với sự nỗ lực của cả nhóm, dây chuyền sản xuất hàng loạt đã được hoàn tất chỉ trong vòng vài tuần sau đó.
Máy trợ thở Corovent đã sẵn sàng đưa vào sử dụng trong tháng Tư sau khi được cấp giấy chứng nhận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, Séc không cần tới máy trợ thở do nước này đã kiểm soát được dịch bệnh. Công ty MICO đã nộp đơn đề nghị cho máy CoroVent được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Mỹ, Brazil, Nga và các nước khác, đồng thời xin EU cấp giấy chứng nhận sử dụng trong bệnh viện.
Anh Kapler cho biết ban đầu nhóm tình nguyện nghĩ rằng sản xuất máy trợ thở dùng trong trường hợp khẩn cấp tại Séc, nhưng hóa ra, nhu cầu về máy lại tăng mạnh ngoài biên giới nước này.
Những nỗ lực không mệt mỏi của các tình nguyện viên Séc trong thời gian qua có thể được ghi nhận qua dòng chữ in trên hộp máy CoroVent "Nhiệt huyết từ những trái tim Séc"./.