Chế độ khoa cử Việt Nam thời phong kiến qua di sản tư liệu thế giới

Những tài liệu trưng bày tại triển lãm phản ánh chế độ khoa cử Việt Nam thời kỳ phong kiến, được chắt lọc từ ba di sản tư liệu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Triển lãmlãm đã chính thức khai mạc chiều nay (5/3) và sẽ kéo dài đến hết ngày 5/4 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới” đã chính thức khai mạc chiều nay (5/3) và sẽ kéo dài đến hết ngày 5/4 tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Bức tranh giáo dục xưa

Triển lãm trưng bày hơn 50 hình ảnh, hiện vật, phiên bản tài liệu phản ánh nền giáo dục và chế độ khoa cử Việt Nam thời kỳ phong kiến theo ba chủ đề: “Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại,” “Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam” và “Bia đề danh tiến sỹ và các trạng nguyên tiêu biểu.”

Cụ thể, đó là những tài liệu cho thấy quan điểm của nhà nước về giáo dục, khoa cử; chế độ thi cử, thể lệ các kỳ thi, quy chế học tập của học trò ở Quốc Tử Giám; danh nhân khoa bảng, ân điển của quốc gia, nhà vua đối với người đỗ đạt…

Số tài liệu này được chắt lọc từ ba di sản tư liệu của Việt Nam (Bia tiến sỹ Văn Miếu, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới .

Bà Nguyễn Thu Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), đại diện ban tổ chức triển lãm cho biết, cả ba di sản tư liệu thế giới nói trên đều có những nội dung quan trọng về nền giáo dục và chế độ khoa cử xưa. Đây là triển lãm đầu tiên khai thác thông tin về cùng một chủ đề ở cả ba di sản tư liệu thế giới của Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám - nơi từng đào tạo ra nhiều bậc hiền tài của đất nước và là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng nhân tài của dân tộc.


Hướng đi trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, triển lãm được tổ chức nhằm góp phần giúp du khách trong nước và quốc tế có cái nhìn tổng thể về nền giáo dục và chế độ khoa cử Việt Nam thời kỳ phong kiến. Đây cũng chính là nguồn tư liệu quý cho các nhà khoa học, nhà quản lý và công chúng yêu thích lịch sử tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam truyền thống nói chung.

(Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới” do Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV phối hợp tổ chức.


[Xây dựng phương án phát huy giá trị của Mộc bản triều Nguyễn]

Tiến sỹ Lê Minh Lý - Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, việc phối hợp giữa các đơn vị để đưa di sản đến gần hơn với công chúng là một hướng đi mới, hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

“Nếu chúng ta cứ mang một nỗi sợ rằng sẽ làm hỏng những tài liệu này, để rồi đem cất chúng vào kho bảo quản, không quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng thì số người biết về những thành tựu này ngày càng ít,” bà Lê Minh Lý nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, tiến sỹ Lê Minh Lý cho biết, các di sản tư liệu chứa đựng nhiều bài học từ lịch sử. Việc UNESCO ghi danh những di sản tư liệu thế giới không nhằm xác định danh hiệu chung chung, mà hướng đến mục tiêu: khẳng định rằng, đây là tài sản quý giá của dân tộc có di sản đó nói riêng và của nhân loại nói chung, nhà nước và người dân cần có trách nhiệm bảo vệ.

“Khi đặt vấn đề cộng đồng chung tay bảo vệ di sản thì trước hết, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cần có những hoạt động, biện pháp cụ thể để họ hiểu về di sản,” bà Lý nói.

Năm 2009, UNESCO đã công nhận Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới. Ðây là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm thuộc nhiều thể loại khác nhau như: lịch sử, địa chí, văn chương…

Đại diện ban tổ chức cho hay, Mộc bản triều Nguyễn vừa chứa đựng những giá trị thông tin, sử liệu quan trọng vừa mang những giá trị nghệ thuật độc đáo (thể hiện nghệ thuật khắc gỗ tinh xảo của thợ thủ công xưa).

82 Bia tiến sỹ triều Lê-Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2010. Trên mỗi tấm bia khắc một bài bài ký bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho mỗi tấm bia như một tác phẩm thư pháp; nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức trong thời gian từ năm 1442-1779.

Đó là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài ở Việt Nam, thể hiện tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài của các triều đại.

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945); được hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm: chiếu, khải, chỉ, tấu, quốc thư... Khối tài liệu này phản ánh toàn diện, đầy đủ các lĩnh vực của xã hội dưới triều Nguyễn từ chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao đến văn hóa, giáo dục...

Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Nội dung những Châu bản được trưng bày lần này phản ánh sinh động nhiều vấn đề trong chế độ khoa cử, giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân tài của nhà Nguyễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục