Ngày 2/9, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết ở nước này đã có 31 người tử vong do nhiễm virus Ebola kể từ đầu đợt bùng phát dịch bệnh.
Ông Eugene Kambambi, quan chức phụ trách truyền thông của WHO tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nhấn mạnh dịch bệnh vẫn được khoanh vùng tại một khu vực cách thủ đô Kinshasa khoảng 800km về phía Bắc. Trong một thông báo trước đó của WHO, số ca tử vong do Ebola ở quốc gia Trung Phi này mới chỉ là 13 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Myanmar khẳng định không phát hiện virus Ebola trong các mẫu máu của năm công dân nước này bị nghi nhiễm, dựa trên kết quả xét nghiệm tại một phòng thí nghiệm do WHO chứng nhận ở thành phố Hamburg của Đức.
Năm người được xét nghiệm gồm một công nhân 22 tuổi từng làm việc tại Guinea và Liberia có triệu chứng sốt khi về tới Sân bay quốc tế Yangon của Myanmar vào ngày 19/8 vừa qua, cùng bốn người mà anh đã tiếp xúc gần gũi. Theo bộ trên, tình trạng sức khỏe của năm người này đang tiến triển và họ sẽ nhanh chóng được ra viện.
Cũng trong ngày 2/9, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc (CCDCP) thông báo cơ quan này đã loại trừ khả năng mắc bệnh Ebola đối với 20 trường hợp bị nghi nhiễm chủng virus này.
Kết quả xét nghiệm cho thấy cả 20 mẫu máu đều âm tính với virus Ebola. Ngoài ra, 9/20 người này được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét và đã được điều trị kịp thời.
Trước tình hình dịch Ebola vẫn diễn biến phức tạp, ngày 2/9, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo "những lo ngại nghiêm trọng về an ninh lương thực" tại các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn thương mại xuyên biên giới.
FAO cho biết do các hạn chế đi lại tới ba nước ở trung tâm vùng dịch Ebola là Guinea, Liberia và Sierra Leone, việc tiếp cận lương thực đã trở nên cấp thiết đối với hàng loạt người dân trong và lân cận khu vực này, dẫn tới tình trạng tích trữ hàng hóa ồ ạt trong khi lương thực thiếu thốn và giá cả leo thang.
Do vụ mùa chính ở Tây Phi hiện đứng trước rủi ro, cùng với thương mại và vận chuyển hàng hóa bị hạn chế nghiêm ngặt, FAO dự báo sự bất ổn về lương thực có thể gia tăng trong vài tuần tới, thâm chí kéo dài trong nhiều tháng./.