CHDC Congo ký thỏa thuận hòa bình với phiến quân M23

Chính phủ Congo và phiến quân M23 đã ký thỏa thuận hòa bình tại thủ đô Nairobi, Kenya, trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước trung gian hòa giải là Uganda và Malawi.
Tổng thống CHDC Congo Joseph Kabila tại thị trấn Rutshuru, địa điểm mà phiến quân M23 từng chiếm giữ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 12/12, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo và phiến quân M23 đã ký thỏa thuận hòa bình tại thủ đô Nairobi của Kenya, trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước trung gian hòa giải là Tổng thống Uganda Yoweri Museveni và Tổng thống Malawi Joyce Banda.

Trong tuyên bố sau lễ ký, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni cho biết thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo và phiến quân M23 nêu rõ lực lượng phiến quân "quyết định chấm dứt cuộc nổi dậy chống chính phủ để tiến tới thành lập một chính đảng hợp pháp".

Thỏa thuận hòa bình trên được xem là bước đi then chốt trong các nỗ lực nhằm kết thúc nhiều thập kỷ chiến tranh ở khu vực Hồ Lớn của châu Phi này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 12/12 đã hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia là trung gian hòa giải trong cuộc xung đột tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngay lập tức thực thi thỏa thuận một cách có trách nhiệm nhất.

Ông Ban Ki-moon ủng hộ việc phiến quân M23 tham gia vai trò chính trị một cách hòa bình tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ công cuộc tái thiết nếu Kinshasa yêu cầu.

Mỹ cùng ngày cũng ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận hòa bình vừa đạt được tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời kêu gọi phiến quân M23 lập tức giải ngũ và giải giáp vũ khí.

Phiến quân M23 vốn là quân đội người Tutsi, sáp nhập vào quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2009 nhưng ba năm sau lại tách ra do bất đồng về lương bổng và điều kiện sinh hoạt.

Năm ngoái, chính phủ và lực lượng này đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình song đều lâm vào bế tắc.

Để phản đối chính phủ, các thành viên M23 thường xuyên tiến hành các vụ tàn sát dân thường, cưỡng bức phụ nữ và lôi kéo trẻ em gia nhập lực lượng.

Các cuộc tấn công của M23 không chỉ diễn ra trong lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Congo mà còn kéo theo sự tham gia của các nhóm phiến quân ở Rwanda, Uganda và Burundi, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Hồ Lớn và đẩy 2,6 triệu người mất nhà cửa, 6,4 triệu người sống trong cảnh thiếu thốn các nhu yếu phẩm cần thiết./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục