Lỗ hổng quản lý từ vụ cháy ở khu Zone 9

Cháy Zone 9: Lỗ hổng trong quản lý lao động tự do

Sau vụ cháy khiến 6 công nhân tử vong tại khu Zone 9 chiều 19/11, những lỗ hổng về quản lý lao động tự do một lần nữa lại lộ ra.
Hiện trường vụ cháy tại số 9 Trần Thánh Tông (Nguồn: TTXVN)

Sử dụng lao động tự do tràn lan, thiếu ý thức trong việc đào tạo những kỹ năng an toàn cho người lao động; chưa có cơ quan nào thực hiện việc quản lý và giám sát lực lượng này… được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những vụ việc đau lòng tương tự như Zone 9.

Nghi vấn lao động không hợp đồng

Một ngày sau đám cháy nghiêm trọng tại Zone 9 khiến 6 người tử vong, các cơ quan chức năng vẫn tích cực khám nghiệm hiện trường và tiến hành công tác điều tra.

Chiều 20/11, trao đổi với Vietnam+, ông Bạch Quốc Việt, trưởng phòng Vệ sinh an toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho hay: Bước đầu, nguyên nhân sự việc được xác định do trong quá trình nâng cấp sửa chữa, các công nhân sử dụng thiết bị hàn cắt kim loại sơ ý để vảy hàn bắn vào các vật liệu dễ cháy khiến hỏa hoạn xảy ra.

Vụ việc tại Zone 9 cũng được ông Việt đánh giá là nghiêm trọng nhất từ đầu năm tới nay xảy ra trên địa bàn Hà Nội có liên quan đến những sai phạm về an toàn lao động.

Điều đáng chú ý hơn, theo ông Việt, cả 6 nạn nhân đã tử vong đều là những lao động tự do từ các tỉnh ngoài (Hải Dương) hoặc các huyện ven đô (Quốc Oai) lên thủ đô tìm việc.

“Khi thuê những người này, chủ sử dụng lao động đã không quan tâm tới việc đào tạo cho họ những kỹ năng cơ bản về vệ sinh an toàn lao động,” trưởng phòng Bạch Quốc Việt nhấn mạnh.

Đây cũng được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự cố đáng tiếc chiều 19/11 vừa qua.

Ngoài ra, cũng theo ông Việt, do là những lao động tự do, nên bản thân các công nhân cũng không ý thức được việc phải chấp hành những quy định về an toàn.

“Chính vì thế, khi sự cố xảy ra, họ không có những kỹ năng cần thiết để ứng phó và bị tử vong do ngạt khói,” ông Việt nói thêm.

Trước câu hỏi: Liệu số công nhân kể trên đã được đào tạo nghề nghiệp hay chưa?ông Việt cho biết hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ vấn đề trên.

Tuy nhiên, vị trưởng phòng của Sở nghiêng về khả năng chủ quán bar chỉ thuê các nạn nhân trong ngắn hạn mà không ký kết các loại hợp đồng cụ thể.

Cháy nhà ra… lỗ hổng

Trước khi sự cố tại Zone 9 xảy ra, đã rất nhiều lần Vietnam+ cảnh báo về nguy cơ mất an toàn trong việc sử dụng lao động tự do, lao động di cư. Thiếu hụt kỹ năng nghề cộng thêm việc chưa được chủ sử dụng lao động đào tạo về các quy định an toàn khiến cho lực lượng này trở thành nhóm có nguy cơ cao trong các vụ việc tương tự Zone 9.

Ông Bạch Quốc Việt chia sẻ một thực tế đáng buồn: Hiện bản thân Sở Lao Động Thương binh và Xã hội cũng chưa thể thống kê hết lượng lao động tự do đang có mặt tại thủ đô. Thậm chí, trên toàn thành phố chưa hề có cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo và huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Đáng buồn hơn nữa, theo ông Việt, ngay cả trong Luật Việc làm và Pháp lệnh Thủ đô cũng không hề có những điều khoản quy định cho những lao động tự do.

“Bản thân Sở cũng đã có kiến nghị vấn đề này khi xây dựng pháp lệnh Thủ đô, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được,” ông Việt cho hay.

Bên cạnh đó, do đặc thù công việc và vị trí làm việc không ổn định càng khiến cho việc quản lý nhóm lao động này trở nên khó khăn hơn.

“Ngay trong buổi sáng hôm nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh nguy cơ từ lao động tự do. Thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu để sớm đưa ra những quy định nhằm quản lý nhóm lao động này trên địa bàn thành phố,” ông Bạch Quốc Việt khẳng định.

Trước mắt, Sở Lao động Thương binh và Xã hội vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc điều tra rõ hơn các vấn đề liên quan vụ cháy tại Zone 9. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng thống nhất hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong mức tiền 3 triệu đồng.

Vietnam+ sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất tới bạn đọc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục