Chạy theo tăng chi thường xuyên, 5-7 năm nữa, ngân sách sẽ khó gánh

Cơ cấu chi ngân sách được chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận là chưa hợp lý khi chi đầu tư thấp nhưng chi thường xuyên lại cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói về những tồn tại của chi ngân sách.

Cơ cấu chi ngân sách được chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận là chưa hợp lý khi chi đầu tư thấp nhưng chi thường xuyên lại cao. Tình trạng này nếu không thay đổi, như lời một vị nguyên là lãnh đạo ngành tài chính, ngân sách thậm chí sẽ khó đáp ứng được trong khoảng 5-7 năm nữa.

Đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia quan tâm trong Diễn đàn Tài chính Việt nam 2017 vừa được Bộ Tài chính và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội.

Chi tăng 10 lần

Bộ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn thừa nhận trong lời phát biểu khai mạc rằng, nhu cầu chi ngân sách đang không ngừng tăng, vượt qua khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn.

Điều được ông chỉ ra là cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, trong khi tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, chỉ đầu tư phát triển giảm.

Chỉ ra cụ thể hơn, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra con số thống kê, chi ngân sách năm 2016 đã tăng tới 10 lần so với năm 2001 về giá trị tuyệt đối.

Điều đáng bận tâm hơn theo ông là trong khi tỷ lệ chi đầu tư phát triển giảm từ hơn 31% năm 2001 xuống 25,1% năm 2016 thì chi thường xuyên lại có xu hướng ngược lại (từ 55,16% tổng chi năm 2001 lên 65,75% tổng chi năm 2016).

Đây cũng là vấn đề được ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính nhắc tới như là một trong những rủi ro của ngân sách hiện tại. Xu hướng tăng chi thường xuyên theo ông sẽ tạo sức ép lên ngân sách thời gian tới khi Nhà nước tiếp tục phải cải cách tiền lương, đẩy mạnh an sinh xã hội, tăng chi cho cơ sở hạ tầng.

Còn theo phân tích của ông Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong chi thường xuyên, có tình trạng chi cho an sinh xã hội vượt quá nguồn lực hiện có. An sinh xã hội theo ông là việc phải làm nhưng ông nêu thực tế, hiện có quá nhiều chính sách và những khoản chi lớn. Đây là vấn đề ông nhấn mạnh phải rà soát lại đặc biệt là các đối tượng được hưởng các chính sách trên.

Ông lấy ví dụ về những đối tượng được ngân sách đảm bảo những năm trước chỉ khoảng 8 triệu người thì nay đã lên tới khoảng 11 triệu người.

“Tới hơn 1/9 dân số thì làm sao ngân sách đảm bảo được, cái này cần phải nghiên cứu, sắp xếp,” Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính lên tiếng.

Ông cũng cảnh báo, nếu cứ chạy theo tăng chi thường xuyên thì 5-7 năm nữa, ngân sách sẽ không đáp ứng được.

Có cái nhìn khác, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đồng tình việc tăng tỷ lệ chi thường xuyên cho một số lĩnh vực nhưng ông lo lắng, sản phẩm cuối cùng chưa được tương xứng.

“Chi thường xuyên của ta hiện nay tỷ trọng thì cao nhưng chưa dành cho mục tiêu nhiệm vụ chiến lược,” ông Tuấn nói.

Những mục tiêu nhiệm vụ chiến lược được ông lấy ví dụ như phát triển nhân lực chất lượng cao hay thúc đẩy kinh tế xanh.

[Báo cáo ngân sách dành cho người dân: Có cần những con số chung chung?]

Từ đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính tỏ ra đồng tình với ý kiến trước đó cho rằng cần xây dựng báo cáo chi tiêu thuế. Báo cáo này theo ông có thể tổng hợp, lượng hóa việc chi ngân sách phân bổ theo từng địa bàn, khu vực kinh tế, thời gian để có được nhận định và thể chế chính sách phù hợp.

Nợ công: Nguy cơ nhưng quản không chặt

Vấn đề khác liên quan tới mất cân đối ngân sách là nợ công. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, vấn đê đặt ra hiện tại là, nợ công và nghĩa vụ trả nợ đang tăng nhanh. Điều này dẫn tới áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tuy vậy, cũng chính Bộ trưởng thừa nhận, đây là vấn đề chưa được kiểm soát chặt chẽ.

[Quản lý nợ công chồng chéo, nhiều bất cập về đối chiếu số liệu]

Về thống kê, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, nợ công đã từ mức 50% GDP năm 2010 đã lên tới 63,7% GDP năm 2016. Tuy mức nợ công vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép nhưng ông Tuấn vẫn cho rằng, đây là mức tương đối cao so với một số nước trong khu vực.

“Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ chính phủ hằng năm tăng mạnh trong khi việc sử dụng nguồn vốn vay kém hiệu quả đã và đang đặt ra vấn đề về cân đối nguồn để trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia,” ông nói.

Với Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ông nhắc tới những ý kiến trước đó cho rằng, nợ công cần tính toán thêm những khoản như: nợ doanh nghiệp Nhà nước, nợ xây dựng cơ bản.

Chưa đưa ra đánh giá cụ thể về vấn đề này nhưng theo ông, với nợ công, cả chính thức và tiềm tàng, công cụ dự phòng là yêu cầu phải thiết lập đầy đủ.

Ông phân tích, để đảm bảo nợ công bền vững, một trong những việc cần làm giải quyết tình trạng đầu tư phân tán.

“Ta không thể tình trạng một ngân sách mà đầu tư của chúng ta chiếm 8-10% GDP nhưng sau một hồi phân bổ thi xin thưa, đầu tư công để tập trung ccho dự án trọng điểm quốc gia do Trung ương quản lý được không quá 25%,” Thứ trưởng Bộ Tài chính nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục