Cháy rừng ở miền Trung - nhìn lại yếu tố tự nhiên và xã hội

Từ ngày 26/6 đến 1/7, suốt dọc miền Trung, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, nhiều vụ cháy rừng lớn liên tiếp xảy ra, thiêu rụi hàng trăm hécta rừng.
Lửa bùng phát trở lại gây khó khăn cho công tác chữa cháy. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Lửa bùng phát trở lại gây khó khăn cho công tác chữa cháy. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Tính đến ngày 2/7, các vụ cháy rừng ở miền Trung cơ bản đã được dập tắt nhờ sự nỗ lực bền bỉ chống giặc hỏa của hàng chục nghìn con người cùng với sự ủng hộ của thiên nhiên là “những cơn mưa vàng” tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Trước đó, từ ngày 26/6 đến 1/7, suốt dọc miền Trung, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, nhiều vụ cháy rừng lớn đã liên tiếp xảy ra, thiêu rụi hàng trăm hécta rừng.

Nghiêm trọng nhất là tại tỉnh Hà Tĩnh với hàng trăm điểm cháy ở bảy huyện và số người được huy động cứu rừng lên tới 15.000. Nguyên nhân của tình trạng này cũng là do thiên nhiên cùng với những yếu tố con người-xã hội.

Yếu tố thiên nhiên

- Chất lượng rừng

Theo trang web http:/occa.mard.gov.vn (Ban Chỉ đạo chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong những năm gần đây, diện tích rừng ở nước ta tăng lên nhưng chất lượng rừng lại có chiều hướng suy giảm. Đặc điểm này càng thể hiện rõ nét ở miền Trung.

Rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 7%, trong khi rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm gần 70% tổng diện tích rừng trong cả nước, đây là loại rừng rất dễ xảy ra cháy.

[Cháy lớn khiến các tỉnh miền Trung mất hơn 100ha rừng trong 5 ngày]

Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng  đặc sản...

Diện tích rừng dễ cháy mỗi năm một tăng, tập trung nhiều ở miền Trung.

Ngoài ra, rừng dễ cháy còn liên quan đến loại hình thực bì có đặc tính bắt lửa hay địa hình của các cánh rừng tạo nên các khu vực tiểu khí hậu khô hạn, ít mưa ở các tỉnh Trung Bộ.

- Diễn biến thời tiết

Tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường ở Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung, đang làm cho nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng lớn ngày càng nghiêm trọng.

Điều kiện thời tiết và các nhân tố khí tượng là các tác nhân cho sự phát sinh, phát triển của một đám cháy rừng bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, gió.

Nhiệt độ là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cháy rừng như làm khô, nỏ vật liệu cháy; làm độ ẩm không khí giảm và bề mặt đất nóng lên…

Độ ẩm bao gồm độ ẩm không khí, độ ẩm vật liệu cháy và độ ẩm bề mặt đất.

Gió là nhân tố ảnh hưởng rất nhiều đến cháy rừng, gió thúc đẩy nhanh quá trình làm khô vật liệu cháy; làm bùng phát ngọn lửa và đẩy nhanh tốc độ đám cháy; mang theo tàn lửa gây ra các đám cháy khác, làm đám cháy phát triển nhanh và lan rộng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa Hè năm nay ở miền Trung có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ khoảng 0,5-1 độ C.

Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết trong vòng 28 ngày của tháng 6/2019, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ liên tục xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ kỷ lục cao nhất trong lịch sử liên tiếp được ghi nhận tại một số trạm như Quỳ Hợp (Nghệ An) là 43 độ C.

Riêng đối với huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiệt độ cao nhất theo ghi nhận là 43,3 độ C (nhiệt độ cao trong lịch sử được ghi nhận tại khu vực này là 43,4 độ C trong tháng 4/2019).

Vào đầu tháng Sáu, trước khi xảy ra các vụ hỏa hoạn ở Hà Tĩnh, Tổng cục Lâm nghiệp đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra cháy rừng tại các tỉnh miền Trung với mức độ cực kỳ nguy hiểm. Hầu hết diện tích rừng tại các địa phương này có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Theo cơ quan khí tượng, bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là áp thấp nóng phía Tây kết hợp với gió Lào, nhiệt độ tăng cao, cháy rừng còn là hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Yếu tố con người-xã hội

Bên cạnh yếu tố thiên nhiên, cháy rừng còn bắt nguồn từ các hoạt động xã hội và các hoạt động sản xuất của con người. Đó là tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ở miền núi và đốt rơm rạ ở đồng bằng, đốt quang thực bì để thu nhặt kim loại, đốt dọn ven đường xe lửa, đốt rác trong vườn cạnh khu rừng trồng, hun khói để lấy mật ong...

Nhiều diện tích rừng trồng không được chăm sóc kịp thời để làm giảm thiểu nguồn vật liệu cháy nên về mùa khô chỉ cần gặp tàn thuốc lá là bốc cháy.

Trong vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Hà Tĩnh, yếu tố con người được thể hiện rất rõ ràng.

Theo TTXVN, chiều 1/7, Công an huyện Nghi Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phan Đình Thành (sinh năm 1973, trú tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan điều tra, Phan Đình Thành là nghi phạm gây ra vụ cháy rừng kéo dài từ ngày 28 đến 30/6 tại núi Hồng Lĩnh thuộc địa bàn thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân).

Tại cơ quan điều tra, Thành khai nhận trưa ngày 28/6, anh ra vườn dọn dẹp, gom rác rồi dùng bật lửa để đốt rác. Do trời nắng nóng và gió Tây Nam thổi mạnh, lửa đã cháy lan ra khắp vườn rồi nhanh chóng bắt sang đồi thông phía sau nhà.

Từ điểm cháy này, ngọn lửa đã bùng phát dữ dội, lan rộng ra và thiêu rụi hàng chục ha rừng phòng hộ trên dãy núi Hồng Lĩnh.

Ban chỉ đạo chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng chỉ rõ: Việc phòng, chống cháy rừng bị chi phối mạnh mẽ từ việc điều hành, quản lý của các cấp liên quan.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã có hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành được củng cố và hoàn thiện tới cấp xã.

Tuy nhiên, việc kiểm soát cháy rừng và hiệu quả chữa cháy rừng chưa cao do các nhân tố ảnh hưởng sau:

Thiếu hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương xuống cơ sở về lĩnh vực phòng, chống chữa cháy rừng. Công tác chỉ đạo, điều hành chậm do không nắm bắt được thông tin kịp thời và chính xác, thiếu phương tiện, trang thiết bị chỉ đạo, chỉ huy.

Không có lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách, trong khi Luật phòng cháy, chữa cháy đã có quy định. Chưa phân định rõ cơ chế chỉ  đạo, điều hành và cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng chưa nhịp nhàng, chưa thống nhất.

Tại nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh miền Trung, kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống cháy rừng rất hạn chế; phương tiện, trang thiết bị vừa thô sơ, lạc hậu, vừa thiếu, chỉ có một số máy bơm công suất nhỏ và chủ yếu là dụng cụ chữa cháy thủ công như: Cuốc, xẻng, dao phát…

Chế độ đãi ngộ với lực lượng tham gia chữa cháy chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy rừng một cách chủ động và tích cực.

Cảnh báo dài hạn về cháy rừng miền Trung

Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ ngày 6-7/7, hiện tượng nắng nóng sẽ xuất hiện ở khu vực miền Trung sau những ngày có mưa dịu mát.

Ngày 1/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong chuyến kiểm tra công tác chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh đã chỉ đạo ngành chức năng của địa phương không được chủ quan, lơ là bởi trong thời gian tới thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tiếp tục tập trung cao độ, duy trì các lực lượng bám trụ tại các điểm nóng về cháy rừng, tránh để các vụ hỏa hoạn bùng phát trở lại và lan sang các vùng khác, nhất là khu vực gần khu dân cư, đường điện 500 kV.

Từ góc độ cảnh báo dài hạn, tiến sỹ Vũ Tấn Phương (Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chỉ rõ ở vùng Bắc Trung Bộ, thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao là các tháng Năm, Sáu và Bảy. Nguy cơ cháy rừng ở khu vực này sẽ tăng trong các thập kỷ tới - năm 2020 mối hiểm họa tăng so với năm 2000 từ 6-40%; năm 2050 là từ 16-52% và vào năm 2100 là từ 51-85%.

Giải pháp

 Theo Ban Chỉ đạo chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong mấy thập kỷ qua, trung bình mỗi năm, Việt Nam mất đi hàng chục nghìn ha rừng, trong đó mất rừng do hỏa hoạn là khoảng 16.000ha/năm.

Thiệt hại ước tính là nhiều trăm tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng xấu về môi trường sống cùng những thiệt hại do tăng lũ lụt ở vùng hạ lưu mà chúng ta chưa định lượng được, làm giảm tính đa dạng sinh học, phá vỡ cảnh quan; tác động xấu đến an ninh quốc phòng.

Cháy rừng ở miền Trung - nhìn lại yếu tố tự nhiên và xã hội ảnh 1Lực lượng chức năng nỗ lực khống chế đám cháy. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Các vụ cháy rừng đã gây tổn hại đến tính mạng và tài sản của con người. Trong khi tham gia cứu rừng ở miền Trung trong mấy ngày qua, một phụ nữ ở Nghệ An đã tử vong. Tại Thừa Thiên-Huế, một cán bộ kiểm lâm bị thương khá nặng.

Như vậy, cháy rừng xảy ra do tác động của nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội và các chính sách liên quan như công tác quản lý, điều hành, dự báo và phòng ngừa cháy rừng.

Trong khi chúng ta không thể hay rất khó can thiệp đối với các yếu tự nhiên như biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, chất lượng rừng, đặc điểm thực bì…, các yếu tố con người-xã hội nằm trong khả năng điều chỉnh của chúng ta.

Theo trang web https://cuusaola.vn/, để phòng, chống cháy rừng hiệu quả, mỗi người cần có trách nhiệm bảo vệ rừng và phối hợp nhiều cách bảo vệ rừng theo mô hình “tam giác cân.”

Mỗi cạnh của tam giác này đều có ý nghĩa quan trọng riêng và liên quan đến hai cạnh khác, giảm thiếu sự phụ thuộc của con người vào những “cơn mưa vàng” hiếm hoi để tránh nguy cơ cháy rừng.

Cạnh thứ nhất - giáo dục ý thức phòng cháy chữa cháy rừng. Cạnh này hàm chứa các điểm như: Tuyên truyền, giáo dục người dân về pháp luật phòng chống và chữa cháy rừng; vận động người dân ký cam kết khi dọn nương rẫy không để cháy lan rừng; chủ rừng cam kết phòng chống cháy rừng khi trồng rừng mới; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy.

Cạnh thứ hai -  xử lý nhanh cháy rừng (các địa phương chủ động xử lý kịp thời; làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm; khen thưởng người tham gia cứu rừng).

Cạnh thứ ba - tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng (các hạt kiểm lâm tăng cường kiểm soát các đơn vị, địa phương; giám sát chặt người ra vào rừng; phát hiện sớm, xử lý nhanh khi xảy ra cháy rừng; giám sát cháy thường xuyên mùa hanh khô; theo dõi sát thời tiết để dự báo nguy cơ cháy rừng)./.       

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục