Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trước tình hình cháy rừng nghiêm trọng kéo dài hơn 3 tuần qua, Indonesia đã phải huy động 25 máy bay tham gia dập lửa ở Sumatra và Kalimantan. Trong số này, 21 máy bay làm nhiệm vụ thả "bom nước" và 4 máy bay làm mưa nhân tạo.
Các máy bay được triển khai hoạt động trải rộng ở các khu vực Bắc Sumatra, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan và Nam Kalimantan. Số máy bay được triển khai lần này có quy mô lớn hơn nhiều so với năm ngoái chỉ với 15 chiếc.
Trên mặt đất, nhà chức trách Indonesia cũng triển khai hơn 20.000 người, gồm lực lượng tại chỗ, quân đội và cảnh sát... tham gia khống chế ngọn lửa.
Thời tiết khô, thiếu nước, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, mức độ cháy khác nhau của các khu vực và các đám cháy đất (cháy lớp than bùn dưới bề mặt) là những khó khăn lớn cho các lực lượng chữa cháy và nguy cơ cháy trở lại là rất cao, do nhiều diện tích rừng đã bị khô nỏ sau nhiều tháng khô hạn và rất dễ bén lửa.
Khói mù đã làm giảm tầm nhìn của nhiều khu vực, chỉ còn từ 100 đến vài trăm mét, gây nguy hiểm cho sức khỏe và hoạt động giao thông của người dân. Các cơ sở y tế địa phương đã thông báo có ít nhất 25.500 người bị ảnh hưởng sức khỏe do khói bụi từ cháy rừng, hầu hết bị nhiễm các bệnh về hô hấp như viêm phổi, suyễn hoặc bị kích ứng mắt và da.
Không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe của người dân trong khu vực, khói bụi do cháy rừng ở Indonesia còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước láng giềng Singapore và Malaysia.
Tình trạng này đã lặp đi lặp lại hàng năm vào mùa khô, khiến hai nước nói trên phải nhiều lần lên tiếng. Tuy nhiên, Indonesia vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để phòng tránh nạn cháy rừng, ngoài những nỗ lực chữa cháy khi sự việc đã xảy ra.
Hàng năm, nông dân Indonesia vẫn đốt rừng vào mùa khô như là một tập quán để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy rừng. Đáng lo ngại là Indonesia dự báo mối đe dọa cháy rừng và cháy đất tiếp tục là nguy cơ tiềm tàng cho đến cuối tháng 11, khi bắt đầu mùa mưa./.