Cháy rừng khiến Indonesia kinh tế thiệt hại kinh tế hơn 5 tỷ USD

Báo cáo ước tính các trận cháy rừng, cháy đất và khói mù đã gây ra những tác động tiêu cực về mặt kinh tế, gây thiệt hại tài sản trực tiếp là 157 triệu USD, tổn thất kinh tế liên quan khoảng 5 tỷ USD.
Lửa bùng lên từ các đám cháy rừng ở Kampar, Indonesia, ngày 16/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 11/12, tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế do cháy rừng tại Indonesia gây ra đã lên tới ít nhất hơn 5 tỷ USD, tương đương 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Con số trên được đưa ra dựa trên đánh giá tại tám tỉnh của Indonesia bị ảnh hưởng cháy rừng từ tháng 6-10/2019, dù các nhà phân tích của WB cho biết cháy rừng vẫn tiếp tục hoành hành tại Indonesia đến tháng 11.

Báo cáo ước tính các trận cháy rừng, cháy đất và khói mù đã gây ra những tác động tiêu cực về mặt kinh tế, gây thiệt hại tài sản trực tiếp là 157 triệu USD và những tổn thất kinh tế liên quan khoảng 5 tỷ USD.

Ước tính hơn 900.000 người đã mắc các bệnh về đường hô hấp, 12 sân bay quốc gia phải tạm ngưng hoạt động, hàng trăm trường học tại Indonesia, Malaysia và Singapore phải cho học sinh nghỉ học do cháy rừng.

Theo thống kê, hơn 942.000ha rừng và đất đã bị đốt cháy trong năm nay. Đây là con số cao nhất kể từ sau các đám cháy kinh hoàng năm 2015 với diện tích bị thiêu trụi tại Indonesia lên tới 2,6 triệu ha. Chính quyền nhận định xu hướng gia tăng này là do hiện tượng El Nino khiến mùa khô bị kéo dài hơn.

[Cháy rừng thiêu rụi diện tích hơn 1,6 triệu hécta đất tại Indonesia]

WB cũng dự báo cháy rừng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2019 và 2020 lần lượt giảm ở mức 0,09% và 0,05% xuống còn 5% và 5,1%.

Theo WB, cháy rừng xuất phát từ nguyên nhân con người và đã trở thành vấn đề dai dẳng kể từ năm 1997, do đốt rừng được xem là cách rẻ nhất để chuẩn bị đất canh tác.

Do 44% số khu vực bị đốt trong năm 2019 là than bùn, khí thải carbon từ các trận cháy rừng tại Indonesia đã gần như gấp đôi lượng khí thải từ các vụ cháy tại rừng nhiệt đới Amazon của Brazil trong năm nay.

Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu ước tính các trận cháy rừng của Indonesia từ tháng 1-11/2019 đã thải ra môi trường tổng cộng có 720 triệu tấn CO2. Các tác động lâu dài của cháy rừng liên tiếp không được đánh giá trong báo cáo này.

Việc tiếp xúc với khói mù trong thời gian dài sẽ làm giảm sức khỏe, chất lượng giáo dục, cũng như tác động tiêu cực đến sản phẩm dầu cọ trên toàn cầu, một nông sản quan trọng của Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục