Vụ cháy quán karaoke An Phú ở tỉnh Bình Dương đã khiến cả xã hội bàng hoàng, rúng động khi số người chết tại hiện trường lên đến 32 người. Nhưng đáng nói, vụ cháy này đã nối dài danh sách rất nhiều vụ cháy lớn tại quán karaoke, vũ trường gây thiệt hại lớn về người và tài sản thời gian qua.
Bao trùm dư luận đang là nhức nhối: Vì sao vẫn tái diễn những vụ cháy quán karaoke gây hậu quả thảm khốc. Ai phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại nhân mạng này?
Trước vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương khiến 32 người chết tại hiện trường, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội, đã xảy ra không ít thảm kịch tương tự.
Cách đây chưa lâu, vụ cháy tại quán karaoke số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Ngày 1/11/2016, vụ cháy quán karaoke 68 tại phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) làm 13 người chết.
Ngày 3/5/2014, đám cháy tại quán karaoke Nhật Thực ở ngõ 43 Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) khiến 5 người tử vong. Ngày 19/11/2013, vụ cháy tại nhà hàng Bar - ca nhạc Fuse (số 9, Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm thiệt hại tính mạng của 6 người. Ngoài ra, hàng loạt vụ cháy quán karaoke lớn, nhỏ khác nhau trên toàn quốc mà báo chí đã phản ánh những năm qua.
Trở lại vụ cháy quán karaoke An Phú, theo Công an tỉnh Bình Dương: Vào 20 giờ 30 phút ngày 6/9, Công an thành phố Thuận An nhận tin báo xảy ra cháy tại hộ kinh doanh karaoke An Phú. Lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, triển khai các phương án cứu nạn và chữa cháy.
[Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt bảo đảm phòng cháy tại cơ sở karaoke]
Tổng diện tích cháy khoảng 400m2, lửa bùng phát tại khu vực tầng 2 và tầng 3 của cơ sở. Chất cháy chủ yếu là vải, mút xốp, gỗ... Đám cháy được khống chế lúc 21 giờ 30 phút cùng ngày và lực lượng chữa cháy tiếp tục dập tàn đến tối 7/9.
Tại buổi họp báo sáng 8/9 về vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã chỉ đạo thủ trưởng cơ quan điều tra khởi tố vụ án theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Công an tỉnh đang trưng cầu giám định; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường để làm rõ vấn đề, điều kiện phòng cháy, chữa cháy của cơ sở kinh doanh này.
Trước đó, chiều 7/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có báo cáo ban đầu về vụ cháy quán karaoke An Phú (phường An Phú, thành phố Thuận An) gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Trong báo cáo, đơn vị chức năng xác định nguyên nhân ban đầu của vụ cháy là do chập điện. Quán karaoke này do Lê Anh Xuân (trú tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ, hoạt động từ năm 2016 đến nay. Quán karaoke có đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan, biên bản kiểm tra về an toàn phòng cháy, chữa cháy vào các năm 2019, 2021 và 2022.
Như vậy, nguyên nhân vụ cháy cũng như vi phạm của các tổ chức, cá nhân (nếu có) sẽ được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ và đưa ra kết luận chính thức. Nhưng từ thảm kịch đau lòng này, cần nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở karaoke hiện nay để tránh những thảm họa tương tự.
Karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện. Ngoài việc đăng ký kinh doanh, để được cấp phép hoạt động, các cơ sở dịch vụ này phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, nhất là các điều kiện chặt chẽ về an ninh, trật tự và phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều cơ sở karaoke hiện nay không chú trọng đến bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nhiều chủ cơ sở đã gia cố, mở thêm phòng hát, thay đổi công năng sử dụng của ngôi nhà, làm biển quảng cáo phủ kín tòa nhà, chặn lối thoát hiểm.
Trong khi cấu trúc kín, vật liệu cách âm ở phòng hát lại là nhựa tổng hợp và những chất rất dễ cháy, còn hành lang chật hẹp, phương tiện chữa cháy tại chỗ chỉ là vài bình chữa cháy mini.
Thế nên khi có sự cố cháy, rủi ro rất dễ xảy ra!
Một thực tế đáng lo ngại khác. Rất nhiều khách trước khi vào hát ở các quán karaoke đã ở tình trạng nửa say, nửa tỉnh nhưng vẫn tiếp tục sử dụng rượu, bia. Và khi không còn tỉnh táo, trước sự cố xảy ra, liệu những người này có kịp thời thoát ra bên ngoài?
Từ mất mát, đau đớn trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, nhìn lại các vụ cháy quán karaoke gây ra những hậu quả nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người, có thể thấy, nguyên nhân các vụ cháy đều nhanh chóng được các cơ quan chức năng làm rõ. Sau những thảm kịch đau lòng, các địa phương đều triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Thế nhưng, hậu quả thảm khốc vẫn lặp lại.
Sau vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết tại Hà Nội năm 2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra văn bản 6724/UBND-TKBT, chỉ đạo tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, biển quảng cáo tại các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Nhưng qua 6 năm, những hiểm họa tiềm ẩn trên tại các cơ sở karaoke vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chính bởi vậy, sau vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke, quá trình cấp phép phải căn cứ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đặc biệt, việc ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, đồng thời yêu cầu “khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm vi phạm nếu có,” đã thể hiện động thái rất cương quyết trong việc truy trách nhiệm.
Bởi nếu không xử lý nghiêm, không có giải pháp cứng rắn, không có thái độ dứt khoát, thảm họa về cháy nổ đối với các cơ sở karaoke sẽ chưa dừng ở đây./.