Chạy nước rút tuyển sinh đại học: Thí sinh nháo nhào rút-nộp hồ sơ

“Chỉ trong buổi sáng, đã có gần 1.000 thí sinh đến Đại học Kinh tế Quốc dân để làm thủ tục, số lượng tăng đột biến, đông kinh khủng!”, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo của trường nói.
Chưa đến 8 giờ sáng nhưng Học viện Bưu chính Viễn thông đã rất đông thí sinh đến làm thủ tục. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Chỉ còn 3 ngày nữa, các trường đại học, cao đẳng sẽ kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển đợt một. Chạy nước rút để tìm cơ hội trúng tuyển, hàng trăm thí sinh ùn ùn kéo đến để làm thủ tục là cảnh tượng ở hầu hết các trường đại học sáng nay, 17/8.

“Đông kinh khủng”

“Chỉ trong buổi sáng, đã có gần 1.000 thí sinh đến Đại học Kinh tế Quốc dân để làm thủ tục, số lượng tăng đột biến, đông kinh khủng!”, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân nói.

Chỉ trong sáng nay, trường đã giải quyết được yêu cầu cho khoảng 900 em. Trong đó có 450 thí sinh rút hồ sơ, 236 đổi nguyện vọng, 230 em nộp mới.

Theo ông Dong, số thí sinh tăng đột biến do trường vừa công bố điểm chuẩn dự kiến, trong khi thời gian xét tuyển nguyện vọng một đã đi đến giai đoạn cuối. Vì thế, những thí sinh nhận thấy khả năng trúng tuyển thấp đã đến để rút hồ sơ, chuyển sang các trường khác có cơ hội đỗ cao hơn. Ước tính, trong những ngày qua, đã có khoảng 2.000 thí sinh đã thực hiện rút hồ sơ tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trong khi đó, trường vẫn tiếp nhận thêm hàng trăm thí sinh mới. “Đây chủ yếu là những thí sinh điểm khá cao của khối ngành công an, quân đội hoặc các trường nhóm trên có điểm chuẩn cao. Ngoài ra, cũng có nhiều thí sinh điểm cao nhưng đến gần cuối mới quyết định nộp hồ sơ,” ông Dong lý giải.

Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, từ hơn 7 giờ sáng đã có khá nhiều thí sinh và phụ huynh đến để chờ rút, chuyển nguyện vọng hoặc nộp hồ sơ. Hơn 8 giờ sáng, lượng thí sinh và phụ huynh kéo đến đông hơn, ngồi kín bốn dãy bàn được Học viện chuẩn bị sẵn ở khu tiếp đón. 

Trong khi ở các trường nhóm trên, thí sinh đa số đến rút hồ sơ thì ở các trường nhóm giữa như Đại học Công đoàn, Đại học Thủy lợi, sáng nay cũng ghi nhận hàng trăm thí sinh đến để nộp hồ sơ dự tuyển.

Tại Đại học Thủy lợi, theo Phó hiệu trưởng Trịnh Minh Thụ, sáng nay, số thí sinh đến trường làm thủ tục tăng đột biến so với những ngày trước. Trong đó, đa số thí sinh đến để nộp hồ sơ hoặc xin chuyển nguyện vọng giữa các ngành khác nhau trong trường.

Thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trường căng sức phục vụ thí sinh

Trước tình hình số lượng thí sinh dự kiến có thể tăng mạnh trong những ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng một, chiều 16/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các trường đại học, cao đẳng phải tăng cường nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Minh Thụ, điều này đều được các trường chuẩn bị kỹ từ trước đó.

Cụ thể, những ngày trước, Đại học Thủy lợi chỉ có khoảng trên 100 thí sinh đến làm thủ tục mỗi ngày, trường bố trí nơi tiếp đón ở hội trường T35 với diện tích nhỏ hơn. Nhưng bắt đầu từ 15/8, trường đã chuyển địa điểm sang hội trường T45 với diện tích rộng gấp 3 lần. Số cán bộ tuyển sinh, bàn tư vấn, tiếp đón thí sinh cũng tăng lên.

“Hiểu tâm lý thí sinh luôn muốn được thực hiện các thủ tục nhanh chóng nên trường cũng cố gắng giúp các em hoàn thành các bước cần thiết nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, các cán bộ của trường cũng tư vấn nhiệt tình để thí sinh có quyết định đúng đắn,” ông Thụ chia sẻ.

Tại Đại học Kinh tế quốc dân, việc tiếp đón thí sinh cũng được thực hiện tại hội trường lớn của Nhà văn hóa. 

Toàn bộ hồ sơ của thí sinh được trường đặt sẵn trên bàn, chia theo từng ngành cụ thể. Vì thế, thí sinh chỉ cần đưa các giấy tờ cần thiết, cán bộ tuyển sinh cũng sẽ nhanh chóng tìm được hồ sơ và trả lại cho thí sinh trong vài phút. 

“Chúng tôi hiểu các em đang rất căng thẳng và mệt mỏi trong những ngày này nên thái độ tiếp đón thí sinh cũng được quán triệt phải nhẹ nhàng, niềm nở để tạo tâm lý thoải mái cho các em,” một cán bộ tuyển sinh của trường nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục