Cháy chung cư mini ở Thanh Xuân: Đừng để xảy ra mới truy trách nhiệm

Các chung cư mini đang “mọc như nấm sau mưa” và thường được cấp giấy phép xây dựng 6 tầng hoặc 6 tầng rưỡi nhưng đa số đều vượt tầng với lý lẽ của chủ đầu tư là vì "như thế mới có lãi."
Chung cư mini - nơi xảy ra đám cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc. (Ảnh:Tuấn Anh/TTXVN)

Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đêm 12/9 ở Chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã lấy đi sinh mạng của 56 người, làm 37 người bị thương.

Trước thảm hoạ này, lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy; điều tra, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm. Nhưng…

Đêm 12/9, hỏa hoạn bùng phát tại Chung cư mini ở số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là ngôi nhà có diện tích khoảng 200m2, xây cao tầng, có một lối thoát hiểm duy nhất cũng là mặt tiền ngôi nhà, lại nằm trong ngõ nhỏ. Chung cư mini này có khoảng 150 người sinh sống.

Nhận được thông tin về vụ cháy, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, khẩn trương chữa cháy, thực hiện các phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đưa người bị nạn ra khỏi đám cháy. Sau 45 phút xảy ra hỏa hoạn, đám cháy cơ bản được khống chế. Thế nhưng, hậu quả mà “bà hỏa” để lại là vô cùng nặng nề.

Tính đến thời điểm 18 giờ 40 phút ngày 13/9, vụ cháy này đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương.

Đau xót là trong lúc hàng chục người mất đi sự sống bởi vụ cháy này, một số thông tin cho rằng chung cư mini trên được xây dựng sai phép, sau đó chính quyền địa phương đã phát hiện, có văn bản yêu cầu cưỡng chế nhưng công trình vẫn được tồn tại, đưa vào sử dụng và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hiện nay.

Nhưng vụ cháy Chung cư mini ở phố Khương Hạ chỉ là một trong số hàng loạt vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội thời gian qua. Như vào tháng 3/2023, cũng chính tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, là vụ cháy Chung cư mini tại số 315 Vũ Tông Phan, nơi có hơn 170 người đang sinh sống. Tháng 5/2023, hỏa hoạn xảy ra tại tầng 3 của một Chung cư mini trong ngách 20, ngõ 426 đường Láng, quận Đống Đa.

Trước đó, cuối tháng 10/2022, là vụ cháy Chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, và cũng tại quận này, tháng 11/2019, tầng 8 tòa chung cư mini ở phố Trung Kính bốc cháy.

Vì sao các chung cư mini ở Hà Nội thời gian qua lại liên tiếp xảy ra cháy nổ?

Đi sâu vào tận gốc vấn đề có thể thấy, những năm gần đây, loại hình chung cư mini “mọc như nấm sau mưa” ở Hà Nội. Với diện tích nhỏ, mật độ cư dân đông, các chung cư này thường nằm sâu trong ngõ ngách ở các quận nội đô hoặc huyện ven đô, với quy mô từ 5-10 tầng và do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư.

Hầu hết các chủ đầu tư đều đưa ra lý do ban đầu là xin phép xây dựng dạng nhà để ở, rồi sau đó chuyển công năng, mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Điểm chung của các chung cư mini này là thường được cấp giấy phép xây dựng 6 tầng hoặc 6 tầng rưỡi nhưng đa số đều vượt tầng với lý lẽ của chủ đầu tư là vì "như thế mới có lãi." Thậm chí đâu đó có dư luận, họ được "bật đèn xanh," được "lờ đi" cho việc làm này.

[Những điều cần lưu ý khi mua các thiết bị phòng cháy, chữa cháy]

Cũng vì chỉ chú trọng lợi nhuận về kinh tế, các chủ đầu tư này đã cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất, xây dựng chung cư mini cao nhất, nhiều phòng nhất nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất phòng cháy, chữa cháy có nơi còn mang tính hình thức. Thế nên, những chung cư mini này tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ. Trường hợp xảy ra hỏa hoạn ở dưới tầng 1, sự sống của số đông người dân phía trên trong chung cư sẽ bị đe dọa, gặp nguy hiểm.

Và cũng bởi thế, những tồn tại, nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ tại các chung cư mini ngày càng phổ biến. Điển hình như ở quận Cầu Giấy, nơi có đến hơn 2.000 công trình dạng này. Qua các đợt kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy hay điều kiện kinh doanh, các công trình đều chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu công trình, không lối thoát nạn thứ hai, không đầy đủ hệ thống chữa cháy…

Đề cập đến tình hình này, tại Phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết trong năm qua, các lực lượng của Bộ Công an đã quyết liệt kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cũng như cơ quan, doanh nghiệp. Thậm chí, Công an địa phương đình chỉ hoạt động của một số đơn vị không đảm bảo. Dù vậy, số liệu thống kê cho thấy còn trên 38.000 cơ sở chưa khắc phục được.

 Các chung cư mini thường nằm sâu trong ngõ ngách ở các quận nội đô hoặc huyện ven đô. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ Xây dựng mới đây đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hiện có gần 40.000 công trình có tồn tại về phòng cháy chữa cháy, tích lũy qua nhiều năm, với các tồn tại khác nhau, không dễ để khắc phục. Những công trình này vi phạm nguyên tắc an toàn cơ bản, như nhà nhiều tầng, tập trung đông người nhưng chỉ có một lối thoát nạn; nhà nhiều tầng sử dụng thang hở, trong trường hợp có cháy không kiểm soát, khói sẽ nhanh chóng lan theo thang hở và xâm chiếm vào các tầng, gây rủi ro cho người sử dụng công trình.

Quay trở lại vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng nói trên. Trưa 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra hiện trường, thăm các nạn nhân đang cấp cứu sau vụ cháy. Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà dân tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chiều cùng ngày 13/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Nghiêm Quang Minh- chủ của chung cư này để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Chính quyền thành phố Hà Nội csẽ tổ chức tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini.

Nhưng cũng lúc này, dư luận không chỉ đặt câu hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả nói trên. Vì sao những nguy hại về cháy nổ tại các chung cư mini đã được cảnh báo từ lâu nhưng chưa được tháo gỡ, giải quyết? Làm thế nào để xử lý triệt để những tồn tại trên để ngăn chặn những thảm hoạ tương tự? Đừng để xảy ra hỏa hoạn mới truy trách nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục