Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương ngày 9/7 phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Phi-Trung Đông tổ chức “Hội thảo giới thiệu thị trường Trung Đông-châu Phi” tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria, phụ trách Senegal, Mali, Gambia, Niger, về tình hình trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trong Trung Đông-châu Phi, trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Về tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các nước mà Thương vụ Việt Nam tại Algeria đang phụ trách nói riêng và châu Phi nói chung, Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận cho biết hoạt động giao thương đã bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch, khi các nước trên thế giới, trong đó có châu Phi, áp dụng các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa hàng không, biên giới trên bộ, trên biển, hủy hoặc hoãn các sự kiện thương mại.
[Nâng hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước châu Phi]
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng đối với thị trường Algeria, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 69 triệu USD, giảm 17%.
Về xuất khẩu của các nước châu Phi sang Việt Nam, kim ngạch giảm nhẹ 1,2%. Những mặt hàng bị tác động mạnh nhất là nguyên liệu bông, điều thô, gỗ, đồng và một số khoáng sản khác.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số nước châu Phi vẫn có kim ngạch tăng, chủ yếu do các quốc gia này tăng nhập khẩu nhu yếu phẩm, nhất là gạo, bánh kẹo, sản phẩm ngũ cốc, hạt tiêu, điều nhân... để dự phòng trong mùa dịch.
Chẳng hạn, đối với thị trường Senegal, xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam đã tăng đột biến 26 lần về lượng và 18,3 lần về giá trị, góp phần kéo tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng 88,6%, trong khi xuất khẩu tất cả các mặt hàng khác đều giảm mạnh.
Nạn châu chấu bùng phát phá hoại mùa màng ở Đông Phi, đại dịch COVID-19, tăng trưởng dân số cao và giá gạo quốc tế rất cạnh tranh là những nguyên nhân dẫn đến việc chính phủ, người dân châu Phi tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm, trong đó có gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu gạo của toàn châu Phi năm 2020 ước vào khoảng 15,7 triệu tấn.
Về việc doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì cũng như đâu là các lĩnh vực thế mạnh, có thể ưu tiên thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và các nước sau đại dịch, ông Hoàng Đức Nhuận cho rằng trong bối cảnh Chính phủ Algeria, Senegal, Mali, Gambia và Niger chưa xác định được thời gian mở lại các chuyến bay quốc tế, biên giới trên biển và trên đất liền do tốc độ lây lan dịch bệnh có chiều hướng tăng nhanh tại châu Phi, hoạt động thương mại, vận tải hàng hóa vẫn tiếp tục được duy trì.
Trước mắt, đối với những thị trường mà Thương vụ phụ trách, doanh nghiệp có thể tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc...
Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, các nước Tây Phi năm 2020 sẽ tăng nhập khẩu gạo, như Senegal (tăng 13,6%, tương đương 1.250.000 tấn), Mali (tăng 16,6%, tương đương 350.000 tấn).
Các nhóm hàng, mặt hàng khác mà các nước châu Phi có nhu cầu cao là thuốc tân dược, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải, linh kiện ô tô, xe máy, chất dẻo nguyên liệu, quần áo...
Châu Phi đang phải nhập khẩu 94% nhu cầu về thuốc (16 tỷ USD), trong đó 75% đến từ châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc.
Về nhập khẩu của Việt Nam, hiện giá các loại nguyên liệu (trừ vàng) trên thế giới nói chung và tại châu Phi nói riêng đang giảm mạnh. Trong 7 tháng vừa qua, giá dầu thô đã sụt giảm trên 50%, trong khi châu Phi được xem là một trong những khu vực xuất khẩu dầu thô lớn nhất trên thế giới.
Từ tháng 1/2020, giá nguyên liệu không phải dầu mỏ cũng giảm 30%, trong đó nhôm giảm 0,49%, đồng giảm 0,47% và chì giảm 1,64%, ca cao giảm 21%, bông giảm 18%... Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khả năng tăng nhập khẩu các mặt hàng nói trên từ khu vực này.
Trên bình diện hội nhập quốc tế, mặc dù bị trì hoãn do dịch COVID-19, song các nước châu Phi vẫn đang nỗ lực để Khu vực Thương mại Tự do châu Phi (AFCFTA) sớm được thực thi.
Liên minh châu Phi ước tính AFCFTA sẽ gia tăng thương mại nội khối châu Phi lên gần 60% vào năm 2022 và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế châu lục.
Các chính phủ châu Phi đã và đang khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì xuất khẩu sản phẩm thô. Vì vậy, ngoài thương mại thông thường, các doanh nghiệp tư nhân cũng cần tính đến khả năng hợp tác, đầu tư tại châu Phi để tận dụng những lợi thế về nhân công, nguyên liệu và ưu đãi về xuất xứ.
Về những khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc trao đổi thương mại với các đối tác trong khu vực nói riêng và châu Phi nói chung, Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận cho rằng mặc dù tồn tại những rủi ro, châu Phi cũng có nhiều tiềm năng với tổng dân số 1,3 tỷ người, nhu cầu mặt hàng đa dạng, không quá khắt khe.
Năm 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 7,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỷ USD hàng hóa các loại, tăng 17% so năm 2018. Vì vậy, doanh nghiệp cần tỉnh táo để không bỏ lỡ những cơ hội mà thị trường này mang lại.
Châu Phi có 54 nước với các thể chế và định hướng phát triển khác nhau, có nhiều luật, tiêu chuẩn, tập quán cũng khác nhau, chưa kể thủ tục hành chính còn rườm rà khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tương đối cao.
Do vậy, các doanh nghiệp cần kiên trì khi làm ăn với các đối tác tại khu vực này, từng bước thiết lập quan hệ, giữ chữ tín, có thể nghiên cứu, tiếp cận theo thị trường lớn hoặc theo khối thị trường như Liên minh Kinh tế-Tiền tệ Tây Phi, Cộng đồng Kinh tế-Tiền tệ Trung Phi, Thị trường chung Đông và Nam Phi./.