Trang mạng của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi (SAIIA) ngày 6/9 đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Isabel Bosman làm việc trong chương trình Ngoại giao và Quản trị châu Phi của SAIIA, trong đó phân tích kinh nghiệm của châu Phi đối với việc thúc đẩy lục địa phi hạt nhân và bài học rút ra về việc thực thi Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc. Dưới đây là nội dung bài viết:
Ngày 22/1, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) của Liên hợp quốc đã bắt đầu có hiệu lực. Theo hiệp ước này, các quốc gia bị cấm “phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, mua lại, sở hữu hoặc tích trữ vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác.”
Hiệp ước TPNW là thành quả của những nỗ lực vận động toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ nhằm chấm dứt việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên,mặc dù việc hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực được ca tụng rộng rãi, song công việc thực sự chỉ mới bắt đầu.
Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới phản đối TPNW và sự bấp bênh về định hướng trong các chương trình hạt nhân ở Iran và Triều Tiên càng làm gia tăng căng thẳng.
Cho đến khi một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân quyết định tham gia TPNW, thì các quốc gia phi vũ khí hạt nhân trên thế giới sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục dẫn đầu các chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân.
Từng nếm trải sức công phá của vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào những năm 1960, các quốc gia châu Phi thuộc nhóm những nước lâu đời nhất và thẳng thắn nhất ủng hộ việc giải trừ hạt nhân toàn cầu và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của châu Phi có hai bài học quan trọng: thứ nhất, một thế giới không có vũ khí hạt nhân bắt đầu ở từng nước, từng khu vực; thứ hai, nếu ban đầu không thành công, hãy thay đổi lý lẽ.
Các quốc gia châu Phi có thể ảnh hưởng đến dư luận quốc tế về giải trừ hạt nhân một phần là do những nước này đã thiết lập một chế độ giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ.
Cam kết giải trừ hạt nhân của lục địa bắt đầu từ năm 1964, cùng với việc Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU, nay là Liên minh châu Phi) thông qua “Tuyên bố về châu Phi phi hạt nhân hóa.”
Hiện tại, cam kết này được thể hiện rõ nhất bằng “Hiệp ước khu vực không có vũ khí hạt nhânchâu Phi” (1996), còn được gọi là Hiệp ước Pelindaba. Các quốc gia thành viên của Hiệp ước Pelindaba bị cấm “tiến hành nghiên cứu, phát triển, sản xuất, dự trữ, mua lại, sở hữu hoặc có quyền kiểm soát bất kỳ thiết bị nổ hạt nhân nào.”
Các quốc gia cũng không được phép nhận hỗ trợ để nghiên cứu hoặc phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngày 15/7/2021 là kỷ niệm 12 năm Hiệp ước Pelindaba bắt đầu có hiệu lực (sau khi được mở để ký kết cách đây 25 năm).
Tại một sự kiện kỷ niệm được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, Messaoud Baaliouamer - Thư ký điều hành của Ủy ban Năng lượng hạt nhân châu Phi (AFCONE - cơ quan thực thi Hiệp ước Pelindaba) - đã mô tả đây là “một bước quan trọng nhằm tăng cường chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, giải trừ hoàn toàn và tăng cường hòa bình và an ninh khu vực.”
["Vùng đất hứa" châu Phi dưới góc nhìn của các cường quốc]
Đến nay, Hiệp ước Pelindaba đã được 52/55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi (AU) ký kết và 42 quốc gia thành viên AU phê chuẩn. Điều này khiến châu Phi trở thành “Khu vực không có vũ khí hạt nhân” lớn nhất trên thế giới.
Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) Beatrice Fihn đánh giá Hiệp ước Pelindaba là “minh chứng” cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của châu Phi về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Mức độ cam kết cao đối với lệnh cấm vũ khí hạt nhân ở cấp độ lục địa cũng có nghĩa là các quốc gia châu Phi có thể đóng “vai trò hàng đầu trong quá trình đàm phán, thông qua và thúc đẩy” TPN.
Cách tiếp cận kiên quyết của các quốc gia châu Phi là công cụ tối thượng tạo ra động lực cần thiết. Giám đốc Điều hành ICAN cho rằng các quốc gia châu Phi đã “nhiều lần thách thức câu chuyện mà các quốc gia sở hữu vũ trang hạt nhân muốn thúc đẩy.”
Lời biện minh theo truyền thống mà các quốc gia có vũ khí hạt nhân đưa ra cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân là để ngăn chặn xung đột và đảm bảo “an ninh giữa các quốc gia”. Lý lẽ này đang dần được thay thế bằng lời biện minh về tính nhân đạo cho việc cấm vũ khí hạt nhân, theo đó an ninh con người được coi trọng hơn an ninh quốc gia.
Theo Elizabeth Minor (nhà nghiên cứu tại tổ chức phi chính phủ của Anh Article 36), lý lẽ mới ngày càng trở nên phổ biến và sự chú ý đến tác động nhân đạo của vũ khí hạt nhân “được duy trì nhiều hơn bất kỳ sáng kiến nào gần đây nhằm khuyến khích hoạt động mới về giải trừ vũ khí hạt nhân.”
Các vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 vẫn chưa bị lãng quên. Tuy nhiên, hơn 75 năm sau khi thế giới chứng kiến sức tàn phá của bom nguyên tử, vẫn còn hơn 13.000 vũ khí hạt nhân đang tồn tại. 9 quốc gia sở hữu số vũ khí hạt nhân khổng lồ này gồm Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nga, Israel, Pháp, Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan.
Bằng cách nêu gương thông qua các công cụ pháp lý và liên tục thúc đẩy câu chuyện nhân đạo, châu Phi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa lệnh cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu. Các quốc gia châu Phi có thể củng cố vị thế này bằng cách trở thành một bên của TPNW.
Xem xét những điểm tương đồng giữa Hiệp ước Pelindaba và TPNW, việc ký kết và phê chuẩn sẽ dễ dàng diễn ra. Tuy nhiên, cho đến nay, 29 quốc gia châu Phi đã ký kết TPNW, nhưng chỉ có 9 quốc gia phê chuẩn.
Châu Phi sẽ có thể tạo ra tác động lớn hơn bằng cách phê chuẩn TPNW ở các cấp độ tương tự như đối với Hiệp ước Pelindaba. Điều này sẽ tái khẳng định cam kết của châu Phi đối với việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Quan trọng hơn, điều đó sẽ củng cố danh tiếng của lục địa không chỉ là một điển hình trong khu vực mà còn là một ví dụ quốc tế về cam kết giải trừ hạt nhân.
Mặc dù giải trừ vũ khí hạt nhân là một khát vọng toàn cầu, nhưng châu Phi cho thấy ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu đạt được tốt nhất thông qua sự thống nhất trong khu vực.
Việc tạo ra nhiều khu vực không có vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hiện không bị ràng buộc với các điều khoản của TPNW. Hiện tại, các khu vực không có vũ khí hạt nhân khác bao gồm Trung Á, Mỹ Latinh và Caribe, Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Các quốc gia phi vũ khí hạt nhân trên thế giới có thể thu được nhiều lợi ích nhất từ việc noi gương châu Phi. Bằng cách mô tả câu chuyện nhân đạo về giải trừ vũ khí hạt nhân, các quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây áp lực đạo đức lên các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - một quan điểm có sức nặng đáng kể trong cuộc tranh luận mà các quốc gia này trước đây gặp bất lợi do lý lẽ về an ninh quốc gia được đề cao.
Việc các nước không sẵn lòng tháo dỡ vũ khí hạt nhân và mối đe dọa mở rộng kho vũ khí hạt nhân chỉ là một vài trong số các thách thức trong con đường giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, với việc TPNW hiện là một phần của luật pháp quốc tế, chính sách hạt nhân của các nước sẽ bị ảnh hưởng, cho dù các quốc gia có tham gia hay không./.