Châu Phi thúc đẩy việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do

Trong hai ngày 25-26/10, các phái đoàn từ 26 quốc gia thuộc ba khối kinh tế khu vực châu Phi đã họp để xúc tiến thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Phi.
Châu Phi thúc đẩy việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do ảnh 1Một cửa hàng hoa quả tại một khu chợ của Zimbabwe. Ảnh minh họa. (Nguồn: africanliberty.org)

Trong hai ngày 25-26/10, các phái đoàn từ 26 quốc gia thuộc ba khối kinh tế khu vực châu Phi đã họp để xúc tiến thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Phi.

Tham gia hội nghị này có 3 tổ chức khu vực là Cộng đồng Đông Phi (EAC), Thị trường chung Đông-Nam Phi (MECOSA), Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC). Mở đầu hội nghị, Phó Tổng thống thứ hai của Burundi Gervais Rufyikiri tuyên bố FTA một khi được thành lập sẽ giảm thiểu gánh nặng hành chính cho các nước thành viên tham gia nhiều tổ chức kinh tế khu vực.

Theo ông Rufyikiri, chính phủ từ ba khối kinh tế khu vực cam kết thúc đẩy cộng tác, tiếp xúc, làm hài hòa các chiến lược và chính sách cũng như chia sẻ thông tin để có được một FTA châu Phi vào năm 2017 theo chỉ đạo của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) diễn ra ở Addis Ababa, Ethiopia, tháng 1/2012.

Cũng tại hội nghị, ủy viên phụ trách Thương mại và Công nghiệp của AU Fatima Acyl đã kêu gọi các chính phủ cho phép khu vực tư nhân tham gia lộ trình đàm phán và nhấn mạnh điều này là cần thiết để có thể thành lập một khu vực FTA hiệu quả tại châu Phi.

Cũng theo bà Fatima, giai đoạn chuẩn bị cho các cuộc đàm phán FTA cần đến các nguồn tài chính và các chính phủ nên tự mình "huy động các nguồn vốn trong nước thay vì dựa vào sự hỗ trợ tài chính của các đối tác."

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản hỗ trợ bổ sung trị giá 75 triệu USD cho Dự án Cải thiện đời sống người chăn nuôi tại khu vực Sừng châu Phi.

Theo WB, số tiền trên sẽ giúp tăng khả năng tổ chức của Cơ quan Phát triển liên chính phủ Đông Phi (IGAD), trong đó có sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tại khu vực trên.

Sự bổ sung mới nhất này sẽ hỗ trợ trực tiếp 132.000 hộ gia đình Ethiopia, chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi. Trước đó, trong giai đoạn đầu của dự án, chỉ có Kenya và Uganda tham gia với tổng số hộ gia định nhận hỗ trợ là 135.000 hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục