Châu Phi thiếu hàng trăm tỷ USD mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ tịch AfDB cho biết châu Phi nằm trong "tâm bão" của biến đổi khí hậu, nhưng chỉ nhận được 30 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với khí hậu cực đoan, trong khi nhu cầu thực tế là 277 tỷ USD/năm.

Cảnh ngập lụt tại Hiran, Somalia ngày 15/11/2023. (Ảnh: AA/TTXVN)
Cảnh ngập lụt tại Hiran, Somalia ngày 15/11/2023. (Ảnh: AA/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Lời kêu gọi trên được ông Adesina đưa ra tại hội nghị bàn tròn cấp cao về tài chính khí hậu, được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Adesina cho biết tình trạng hạn hán tàn khốc đang diễn ra ở một số vùng ở châu Phi đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của tất cả các bên liên quan phải cùng nhau tăng tốc hỗ trợ và tài trợ cho châu Phi.

Ông Adesina cho biết: “Châu Phi đang nằm trong 'tâm bão' do biến đổi khí hậu, chiếm 9 trong số 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên toàn cầu.”

Ông nói thêm: “Nhưng châu Phi không nhận được những gì cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu. Châu Phi chỉ nhận được 30 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi nhu cầu của họ là 277 tỷ USD mỗi năm, để lại một khoảng cách tài chính rất lớn.”

AfDB đã tăng quy mô tài trợ khí hậu và đang vượt mục tiêu tài trợ cho các nước châu Phi. Ngân hàng này đã đưa ra một số sáng kiến nhằm huy động các nguồn lực giúp mở rộng quy mô tài chính cho khí hậu, bao gồm đợt phát hành vốn trị giá 750 triệu USD gần đây trên thị trường vốn toàn cầu, đợt phát hành đầu tiên thuộc loại này trong số các ngân hàng phát triển đa phương.

Sáng kiến này đã được đăng ký vượt mức 6 tỷ USD.

Ông Adesina cho biết AfDB đã thực hiện đúng lời hứa của mình. Ông nói: “Ngân hàng Phát triển châu Phi đặt mục tiêu dành 40% tổng nguồn tài trợ của mình cho tài chính khí hậu. Chúng tôi đã liên tục vượt mục tiêu này trong 3 năm qua và đạt mức 55% vào năm 2023.”

Để thúc đẩy hơn nữa nguồn tài chính khí hậu, Chương trình Tăng tốc Thích ứng châu Phi - chương trình hàng đầu của AfDB và Trung tâm Thích ứng Toàn cầu - đang huy động 25 tỷ USD cho thích ứng khí hậu.

Đây được coi là chương trình thích ứng khí hậu lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục