Châu Phi lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ

CDC châu Phi đã làm việc với các quốc gia đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ về các chiến lược hậu cần và truyền thông để triển khai tiêm vaccine.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ Jynneos do Hãng dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic phát triển, tại Los Angeles, California (Mỹ). (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi ngày 20/8 cho biết Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia châu Phi khác có thể bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ trong vài ngày tới.

Cơ quan y tế công cộng hàng đầu của châu Phi đã làm việc với các quốc gia đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ về các chiến lược hậu cần và truyền thông để triển khai các liều vaccine dự kiến sẽ đến sau các cam kết của Liên minh châu Âu, nhà sản xuất vaccine Bavarian Nordic (Đan Mạch), Mỹ và Nhật Bản.

Ngày 14/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số bệnh nhân nhiễm biến thể 1b tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.

Phát biểu với báo giới, Tổng giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya nhấn mạnh cần đảm bảo rằng chuỗi cung ứng, hậu cần đã sẵn sàng để đảm bảo vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ được lưu trữ tốt và có thể triển khai tiêm an toàn.

Nghiên cứu về hiệu quả của các loại vaccine khác nhau sẽ tiếp tục được tiến hành ở châu Phi trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm phòng, để các quốc gia hiểu rõ hơn về loại vaccine nào phù hợp với bối cảnh của họ.

Các quốc gia châu Phi ghi nhận hơn 1.400 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong tuần qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại 12 quốc gia có dịch thuộc châu lục này lên gần 19.000 ca kể từ đầu năm 2024.

Các ca mắc bệnh đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái và ông Kaseya cho biết vẫn còn quá sớm để nói rằng các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên lục địa này đang được cải thiện.

Ông Kaseya nhấn mạnh các quốc gia châu Phi mong muốn được hỗ trợ về các biện pháp đối phó y tế, để tăng tỷ lệ xét nghiệm cũng như tiếp cận vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục