Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) ngày 28/8 cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở châu lục này đã lên tới 1.220.511 người, trong đó có hơn 28.850 người đã tử vong.
Cũng theo CDC châu Phi, mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung đã có dấu hiệu suy giảm.
5 nước có số ca mắc nhiều nhất là Nam Phi (620.132 ca), Ai Cập (98.062 ca), Morocco (57.085 ca), Nigeria (53.317 ca) và Ethiopia (48.140 ca).
Tổng số ca mắc ở 5 nước này chiếm khoảng 72% tổng số ca trên toàn châu lục.
Nếu tính theo tỷ lệ tử vong, châu Phi có 9 nước có tỷ lệ cao hơn mức trung bình chung toàn cầu là 3,4%, nhưng tỷ lệ của toàn châu lục thì chỉ ở mức 2,4%.
Một tín hiệu khả quan khác là trong một tuần qua, toàn châu Phi chỉ có thêm 58.417 ca mắc mới, giảm 20% so với tuần trước đó.
Ngoài ra, số lượng xét nghiệm COVID-19 cũng tăng mạnh, thêm một chỉ dấu tích cực nữa được ghi nhận tại Lục địa Đen.
Cùng ngày, Chính phủ Ai Cập cho biết nước này sẽ nới lỏng quy định về xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh từ ngày 1/9 tới.
Cụ thể từ tháng tới, tất cả du khách nhập cảnh Ai Cập vẫn phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng thời gian được mở rộng lên thành 72 giờ trước thời điểm nhập cảnh, thay vì là 48 giờ như quy định trước đây.
Trẻ em dưới 6 tuổi dù thuộc quốc tịch nào cũng được miễn quy định này.
Ngoài quy định trên thì từ tháng trước, Ai Cập cũng đã bắt đầu cho nối lại một phần các chuyến bay quốc tế sau nhiều tháng tạm ngừng do dịch COVID-19 bùng phát.
Hiện, khách du lịch nước ngoài chỉ được phép nhập cảnh Ai Cập tại 3 tỉnh ven biển có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất, gồm Nam Sinai, Biển Đỏ và Matrouh.
[Ấn Độ, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong ngày]
Tính tới thời điểm này, Ai Cập đã ghi nhận 98.062 ca mắc COVID-19, khiến 5.342 người trong số này tử vong và hiện vẫn còn 23.108 người đang phải điều trị.
Từ giữa tháng Sáu đến nay số ca mắc mới ở nước này liên tục giảm và hiện chỉ còn khoảng gần 240 ca/ngày, nhưng Thủ tướng Mostafa Madbouly vẫn kêu gọi người dân thận trọng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai, đặc biệt khi mùa Thu đang tới.
Trong diễn biến bệnh dịch COVID-19 liên quan, phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ cho biết Thủ tướng Peru Walter Martos ngày 28/8 đã phải gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời ban hành biện pháp cách ly xã hội tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch này.
Theo đó, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài đến ngày 30/9. Bốn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội gồm Cusco, Moquegua, Puno và Tacna.
Chính quyền các tỉnh này chỉ cho phép mở cửa những cơ sở kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cơ bản, cũng như một số ngành nghề có giấy phép hoạt động đặc biệt.
Peru hiện là nước chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lớn thứ hai ở Nam Mỹ, sau Brazil, với 621.997 ca nhiễm tính đến thời điểm này.
Tuy nhiên, Peru lại đang có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tính trên dân số cao nhất thế giới.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tỷ lệ tử vong trên mỗi 100.000 dân ở Peru đã tăng lên 86,2 người, vượt qua Bỉ với 85 ca tử vong/100.000 dân.
Ngoài gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia, Peru cũng đang duy trì đóng cửa biên giới và lệnh giới nghiêm ban đêm, đồng thời kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế đến ngày 7/12./.