Trung tâm hỗ trợ quyết định và thông tin của chính phủ Ai Cập (IDSC) ngày 27/12 cho biết châu Phi có tiềm năng sản xuất hydro xanh hàng năm trị giá 1.000 tỷ euro (1.063 tỷ USD) vào năm 2035, điều này cho phép Lục địa Đen xuất khẩu nhiên liệu và thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương.
Trích dẫn một nghiên cứu được hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), IDSC khẳng định rằng nhờ khai thác nguồn năng lượng Mặt Trời dồi dào nhất thế giới, một số quốc gia trên lục địa châu Phi có thể chiết xuất hydro từ nước bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, với chi phí một kg dưới 2 euro vào năm 2030.
Hãng tin Bloomberg ngày 27/12 đưa tin EIB và các đối tác là Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh năng lượng Mặt Trời quốc tế (ISA) cùng phối hợp để triển khai nghiên cứu này.
Theo nghiên cứu, nhu cầu về năng lượng sạch đang tăng lên nhanh chóng khi thế giới buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch - vốn được coi là tác nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, và trong bối cảnh châu Âu tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, sau khi cuộc xung đột tại Ukraine.
[Ai Cập và EU thiết lập quan hệ chiến lược trong lĩnh vực hydro xanh]
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiên liệu hydro xanh sẽ được sản xuất tại ba trung tâm chính nằm trên lục địa châu Phi bao gồm Ai Cập, một trung tâm nằm ở phía Tây Bắc của Maroc và Mauritania và một nhà máy khác nằm ở giữa Namibia và Nam Phi.
Nghiên cứu khẳng định rằng trong khi các kế hoạch sản xuất nhiên liệu tiên tiến nhất được lên kế hoạch ở những nước châu Phi kể trên, thì một số quốc gia khác gồm Algeria, Nigeria và Mozambique cũng đang tìm cách khai thác tiềm năng để bắt đầu tạo ra nhiên liệu sạch.
Theo dự báo, Ai Cập sẽ là nhà sản xuất hydro xanh lớn nhất với sản lượng 20 triệu tấn mỗi năm, đứng thứ hai là nhà máy đặt tại Nam Phi với 17,5 triệu tấn, trong khi trung tâm nằm ở giữa Morocco và Mauritania có thể đóng góp 12,5 triệu tấn.
Các nhà nghiên cứu nói thêm khoảng một nửa tổng sản lượng hydro xanh của châu Phi có thể được xuất khẩu, nhằm đáp ứng khoảng 15% nhu cầu khí đốt của châu Âu./.