Châu Phi cần nhận thức giá trị để tự quyết định tương lai

Đại dịch COVID-19 xảy ra đúng thời điểm trật tự thế giới đang thiếu sự gắn kết. Tình hình thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách: châu Phi cần phải đánh giá lại vị trí địa chiến lược của chính lục địa này.
Binh sỹ phân phát thực phẩm cứu trợ cho người dân tại Kampala, Uganda ngày 4/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Trang mạng theafricareport.com ngày 21/7 đăng bài phân tích khẳng định châu Phi cần nhận thức được giá trị địa chiến lược đích thực của lục địa để tự quyết định tương lai.

Theo tác giả bài viết, đại dịch COVID-19 xảy ra đúng thời điểm trật tự thế giới đang thiếu sự gắn kết. Tình hình thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách: châu Phi cần phải đánh giá lại vị trí địa chiến lược của chính lục địa này.

Trước hết cần xem xét những bài học rút ra trong đối phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quy mô lục địa và ứng xử của châu Phi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Những hình mẫu đối phó khủng hoảng

Nhiều nhà phân tích bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng châu Phi sẽ không thể ứng phó hiệu quả trước tác động của đại dịch COVID-19. Mặc dù còn sớm để đưa ra bằng chứng thuyết phục, một số nước châu Phi đã và đang thể hiện là những hình mẫu trong cuộc chiến chống COVID-19.

Những nước này đã sử dụng các công nghệ mới một cách sáng tạo và phát triển các kênh thông tin đáng tin cậy để chuyển tải thông điệp tới các cộng đồng. Châu Phi cũng được hưởng lợi từ các hệ thống y tế công cộng và các hệ thống đối phó với những bệnh truyền nhiễm đã được thiết lập để ứng phó với các loại virus, chẳng hạn như Ebola.

Cơ quan giám sát COVID-19 châu Phi đã thiết lập một nền tảng ấn tượng, nhấn mạnh vai trò của các xã hội dân sự, các quốc gia và các cơ quan liên chính phủ trên khắp lục địa.

Bài học từ hành động trong lịch sử

Việc thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) đã giúp kịp thời cập nhật và phối hợp hành động dựa theo các tiêu chuẩn toàn cầu.

Kinh nghiệm xử lý đại dịch trong quá khứ đã giúp người dân và các quan chức châu Phi nhận ra rằng hệ thống y tế công cộng cơ sở có thể đóng vai trò là phương tiện hiệu quả để giải quyết các thách thức khủng hoảng sức khỏe trên quy mô lớn.

[IMF: Dịch COVID-19 có thể lấy đi một thập kỷ phát triển của châu Phi]

Từ Addis Ababa (Ethiopia), Nairobi (Kenya) đến Accra (Ghana) và nhiều thủ đô khác, khách du lịch thường bắt gặp những nhóm chuyên gia y tế tại các điểm đến. Các điểm kiểm tra y tế tại sân bay không chỉ đóng vai trò đảm bảo việc tuân thủ các quy định về tiêm chủng, mà còn để theo dõi, giám sát các triệu chứng thông qua kiểm tra thân nhiệt bằng máy quét nhiệt.

Kết quả là so với nhiều nơi khác trên thế giới, châu Phi đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhiều trong đối phó với đại dịch.

Các hệ thống y tế mong manh

Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Phi có hệ thống y tế yếu kém, không đủ nguồn lực, cũng như đang phải đối mặt với những hạn chế kinh tế-xã hội sâu sắc. Những yếu tố này khiến châu Phi gặp khó khăn trong điều phối các hành động chung ở cấp lục địa để ứng phó với COVID-19. Hiện trạng trên diễn ra trong bối cảnh các hệ thống quản trị toàn cầu cũng đang đứng trước phép thử khắc nghiệt nhất.

Sẽ không đầy đủ nếu đánh giá sự thay đổi trật tự toàn cầu hiện nay là cuộc cạnh tranh chỉ giữa Phương Đông và Phương Tây. Thế giới vốn phức tạp hơn thế, nếu không nói là đa cực.

Kế hoạch Marshall cho châu Phi 

Sự can dự của Liên minh châu Âu (EU) với châu Phi được gọi một cách hoa mỹ là "mối quan hệ đối tác bình đẳng", bởi "lục địa già" nhận thức được rằng châu Phi không muốn bị phụ thuộc thêm.

Các quốc gia thành viên EU nhận thức được thực tế địa chính trị ở châu Phi và đang xây dựng một chiến lược EU-châu Phi. Chiến lược này liên kết với chính sách láng giềng của EU, không chỉ nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế mà còn ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp.

Ngoài ra, từng quốc gia thành viên của EU cũng đang tự hoạch định chiến lược song phương riêng đối với châu Phi. Chẳng hạn, Phần Lan dù không có quá khứ đô hộ châu Phi, nhưng hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của lục địa Đen đối với tương lai của chính nước Bắc Âu này. 

Mang tính sâu sắc hơn và xuất phát từ chính những bài học chiến tranh trong quá khứ, Đức đang xây dựng "Kế hoạch Marshall cho châu Phi."

Nhưng liệu quy mô của đề xuất này có tương xứng với một phần mà Mỹ đã từng đầu tư vào Tây Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ II hay không sẽ quyết định tầm nhìn vĩ đại của Đức có chuyển từ tuyên bố "đao to búa lớn" thành các dự án thực địa hay không.

Bài học từ Chiến tranh Lạnh

Chiến tranh Lạnh đã mang lại nhiều bài học sâu sắc về những nguy cơ đối với châu Phi khi lục địa này bị lôi kéo vào các khối ý thức hệ mâu thuẫn nhau. Chiến tranh ủy nhiệm và sự phân chia ý thức hệ đã kéo châu Phi vào vòng xoáy của xung đột và bạo lực vũ trang trong nhiều thập kỷ. Sự khác biệt giữa tình hình hiện nay và bối cảnh của Chiến tranh Lạnh là các chủ thể tham dự, các vấn đề và những lựa chọn khó nhận thức hơn.

Sự trỗi dậy của chính trị dân tộc và sự sụp đổ của các hệ thống dân chủ đang đặt ra câu hỏi liệu mô hình quản trị nào là thuyết phục, hiệu quả và bền vững nhất ở châu Phi.

Thời đại hiện nay đã cho thấy một loạt chủ thể mong muốn khuấy động các cuộc xung đột - vốn thường gắn liền với lợi ích kinh tế tư nhân và công cộng. Những mặt lợi ích này làm suy yếu sự gắn kết và hiệu quả của các cơ chế an ninh và hòa bình quốc tế.

Bất chấp những bước thụt lùi ở cấp độ quốc tế, chủ nghĩa đa phương cả về khái niệm và tổ chức vẫn chứng tỏ sự hiệu quả ở châu Phi.

Liên minh châu Phi đã thúc đẩy xây dựng các khuôn khổ quy phạm rộng lớn hơn, thông qua những tiến bộ đạt được nhằm hiện thức hóa sự di chuyển tự do của người dân châu Phi trên khắp lục địa và tăng cường hợp tác giữa các nước về các vấn đề hòa bình và an ninh.

Năm 2021, Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) sẽ bước vào giai đoạn thực thi nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại nội khối. Châu Phi phải củng cố các sáng kiến đa phương này để tăng cường ứng phó với đại dịch COVID-19 và định vị chính mình trong trật tự thế giới đang thay đổi.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cần khẳng định quyết tâm, lòng dũng cảm để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra một cách tiếp cận thống nhất về hòa bình và an ninh dựa trên kinh nghiệm của chính lục địa này.

Để đạt được điều này, các nước châu Phi phải tránh bị cuốn vào các cuộc cạnh tranh quyền lực của các cường quốc. Châu Phi cần theo đuổi lợi ích của các quốc gia thành viên và đảm bảo công bằng trước những tranh chấp giữa các cường quốc thế giới.

Châu Phi không thể chỉ đơn thuần là một bên tiếp nhận các chính sách, một nhà quan sát thụ động, một sân chơi của cuộc chiến ủy nhiệm hoặc một lục địa trong đó các cường quốc toàn cầu và khu vực có thể tạo dựng những phạm vi ảnh hưởng mới.

Bằng cách sử dụng các tài sản chiến lược và những lợi ích đã vạch sẵn, châu Phi có cơ hội trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu đúng nghĩa.

Như vậy, các nước châu Phi cần hành động dựa trên một tập thể thống nhất, không thỏa hiệp yếu tố đặc thù của tiểu khu vực, cũng như của các quốc gia thành viên có chủ quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục