Châu Âu vẫn tiếp tục là 'điểm nóng' của dịch COVID-19

Italy, Pháp và Tây Ban Nha đều ghi nhận thêm các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua, buộc chính phủ các nước phải tăng cường các biện pháp chống dịch.
Châu Âu vẫn tiếp tục là 'điểm nóng' của dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Thelocal.fr)

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong ngày 9/5, Italy ghi nhận thêm 1.043 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 218.268 trường hợp.

Theo số liệu trên, tổng số ca tử vong tăng lên 30.395 người (tăng 194 ca trong vòng 24 giờ qua). Có thêm 4.008 bệnh nhân hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 103.031 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 134 ca xuống còn 1.034 trường hợp.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Paris, tính đến tối 9/5, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Pháp là 26.310 người, tăng 80 ca trong 24 giờ. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ ngày 1/4.

Hiện 22.614 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 110 ca so với hôm trước), trong đó 2.812 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 56 ca). Như vậy, sức ép lên khoa hồi sức tích cực tại các bệnh viện tiếp tục đà giảm từ một tháng nay. Đến nay, 56.038 người đã khỏi bệnh và ra viện.

Giới chức y tế và chính quyền địa phương đã gia tăng lời kêu gọi "cảnh giác" tại Nouvelle-Aquitaine, một vùng được xếp vào nhóm ít nguy cơ, sau khi xuất hiện hai ổ dịch bệnh COVID-19. Một ổ dịch bùng phát tại tỉnh Dordogne sau một đám tang cuối tháng 4. Một ổ dịch khác được phát hiện ở tỉnh Vienne, sau cuộc họp của giáo viên và nhân viên một trường trung học cơ sở để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại vào ngày 18/5.

Tại cuộc họp của ủy ban hỗn hợp nghị viện cùng ngày, các hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ đã đạt được một thỏa thuận về dự luật kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp đến ngày 10/7, trước khi chính thức được thông qua. Các nghị sĩ cũng đề xuất sửa đổi bộ luật y tế công, để tính đến "các kỹ năng, quyền hạn và phương tiện" của chính quyền trong tình huống khủng hoảng được coi là "tình trạng y tế khẩn cấp."

[EU cân nhắc kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới trong 30 ngày nữa]

Các nghị sĩ cũng đồng ý về một điểm nhạy cảm khác của dự luật: theo dõi bệnh nhân COVID-19 qua một "hệ thống thông tin", được kết nối với cơ quan bảo hiểm y tế. Việc sao lưu dữ liệu trong hệ thống này bị giới hạn trong vòng 3 tháng, khác với dự án triển khai ứng dụng StopCovid trên điện thoại thông minh, hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Tại Anh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Grant Shapps ngày 9/5 cho biết, số ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 346 người trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên thành 31.587 người.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày của Chính phủ Anh, Bộ trưởng Shapps cho hay lưu lượng giao thông sẽ chỉ giảm 10% so với mức trước khủng hoảng nếu biện pháp giãn cách xã hội được thực thi đầy đủ. Bộ trưởng Shapps cũng nói rằng cần nhiều người dân đi bộ và đạp xe hơn tới nơi làm việc.

Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh tại châu Âu, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 9/5 cảnh báo đại dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra vẫn là một mối đe dọa khi nước này chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, Tây Ban Nha lên kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn tới cuối tháng 6, với khoảng một nửa dân số 47 triệu người của nước này được phép ra ngoài tiếp xúc xã hội ở một mức độ hạn chế từ ngày 11/5, trong khi các nhà hàng được cung cấp một số dịch vụ ngoài trời. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Sanchez nêu rõ: "Tôi kêu gọi các bạn thận trọng và cảnh giác tối đa do virus vẫn chưa biến mất, chúng vẫn tồn tại."

Lo ngại số ca nhiễm tăng trở lại nếu các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ quá nhanh, giới chức đã quyết định thủ đô Madrid hay Barcelona - hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Tây Ban Nha - đều sẽ không nằm trong giai đoạn 1 nới lỏng phong tỏa. Thành phố Granada và Malaga ở miền Nam cũng như Valencia ở miền Đông cũng vẫn sẽ được áp đặt đầy đủ các quy tắc phong tỏa.

Trong khi đó, cộng đồng tự trị Galicia ở miền Bắc, giáp với Bồ Đào Nha và xứ Basque, cũng như một số thành phố lớn như Zaragoza và Seville sẽ được hưởng một quy chế tự do mới, bao gồm được mở cửa lại nhà thờ, song số lượng người ra vào hạn chế, trong khi các cửa hàng nhỏ được đón tiếp khách có hẹn trước.

Tới nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận gần 224.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 26.478 ca tử vong, chỉ đứng sau Mỹ, Anh và Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục